Đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở

Sáng 4/6, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong diễn ra lễ bế giảng lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho 232 bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025 (lớp 3 và lớp 4). Những năm trước đây, các khóa bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở thường được tổ chức tại quận, huyện, thị xã. Năm nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đổi mới bằng hình thức học tập trung. Tại lễ bế giảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đến dự và phát biểu chỉ đạo, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

Xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, cũng là nơi thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nếu mỗi xã, phường, thị trấn ổn định thì các quận, huyện, thị xã được ổn định, thành phố bình yên. Qua đó, cũng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng quản lý đảng viên. Đây cũng là nền tảng quan trọng để cấp ủy ban hành các nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy phải có phẩm chất, năng lực điều hành, chỉ đạo tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Từ thực tế ấy, trong thời gian 12 ngày học tập, các học viên được nghiên cứu 18 chuyên đề với nội dung rất bổ ích, thiết thực, được trang bị những kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý tình huống trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, khóa bồi dưỡng còn có các nội dung thảo luận chuyên đề giúp học viên được trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, học tập để từ đó trau dồi, hoàn thiện bản thân và tự tin vận dụng trong hoạt động thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho công tác.

Nhiều bí thư xã, phường sau khi “tốt nghiệp” đều chia sẻ, khóa học rất hiệu quả khi được thu nhận thêm nhiều kiến thức từ thầy, cô giáo và từ chính các đồng nghiệp. Bởi thực tiễn tại các địa phương là muôn hình vạn trạng, không thể áp dụng máy móc, nhưng nếu vận dụng khéo léo sẽ mang lại kết quả cao, như trong công tác xây dựng Đảng, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, cải cách hành chính… Điều này cho thấy hướng đi, cách làm đúng đắn của Thành ủy Hà Nội trong đào tạo cán bộ.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, các đơn vị chuyên môn của thành phố cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, tham mưu với cấp có thẩm quyền đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó, cần chú trọng những mảng chuyên đề có tính thời sự, chương trình thiết kế riêng theo từng đối tượng; sử dụng phương thức giảng dạy, học tập, chú trọng trang bị kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin… Mục tiêu là phải nâng cao năng lực làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, đội ngũ cán bộ, đảng viên.