Đào tạo đại học theo mô hình 4.0

Nhiều năm qua, các trường đại học trên địa bàn thành phố đã cải tiến chương trình đào tạo theo mô hình giáo dục 4.0 dựa trên chuẩn đầu ra; tăng cường tích hợp, liên kết; đẩy mạnh chuyển đổi số và học tập cá nhân hóa. Điều này hướng tới mục tiêu nâng tầm chất lượng hoạt động đào tạo, bảo đảm thích ứng với quá trình hội nhập và chuyển dịch lao động của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đầy năng động.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có nhiều chương trình đào tạo để lựa chọn theo học. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, tìm tài liệu tại thư viện.
Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có nhiều chương trình đào tạo để lựa chọn theo học. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, tìm tài liệu tại thư viện.

Sau hơn 10 năm triển khai phương pháp CDIO (sử dụng các công cụ học tập chủ động, các dự án theo nhóm và học tập dựa trên vấn đề, để trang bị tốt hơn cho sinh viên những kiến thức về kỹ thuật cũng như các kỹ năng giao tiếp và chuyên môn), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đúc kết các mô hình mẫu CDIO và các khung chuẩn phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra cho các nhóm ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, phi kỹ thuật.

Nhiều kết quả áp dụng CDIO tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được chia sẻ rộng rãi trong Hiệp hội CDIO thế giới, khu vực và các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước như: phát triển hệ thống tài nguyên học tập số cùng các hình thức đào tạo mới như hỗn hợp (flipped classroom, flex, MOOCs); nâng cao năng lực cải tiến phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo công nghệ số; áp dụng phương pháp giảng dạy, học tập tích hợp nghiên cứu và theo hướng cá nhân hóa; xây dựng bộ năng lực dạy học và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo theo hướng công nghệ số…

Văn phòng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đi đầu trong việc triển khai đào tạo song ngành. Theo đó, mỗi sinh viên có cơ hội học cùng lúc hai chương trình đào tạo thuộc hai ngành khác nhau. Đào tạo song ngành đang được áp dụng tại Trường đại học Kinh tế-Luật (ba ngành/chương trình) và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (năm ngành/chương trình) với chỉ tiêu tuyển sinh 17.000 sinh viên/năm.

Với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc đào tạo người học phát triển có trình độ chuyên môn sâu, chuyên gia đầu ngành rất quan trọng. Để có thể tuyển chọn và đào tạo những sinh viên tài năng, từ năm 2018 đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển sinh, đào tạo 40 chương trình tài năng với quy mô đào tạo hơn 2.200 sinh viên.

Chương trình đào tạo tổ chức linh hoạt theo mô hình lớp học tài năng hoặc sinh viên tài năng phù hợp từng đơn vị và ngành đào tạo. Các lớp tài năng đều được giảng dạy theo phương pháp tiên tiến, tích cực, phát huy tính chủ động học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên tài năng được tổ chức tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hình thức đánh giá và bài tập phong phú, đa dạng do các giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy.

Tùy theo yêu cầu môn học, sinh viên có đề tài thực nghiệm, bài tập, thảo luận, thuyết trình, làm việc nhóm, giúp sinh viên nắm vững bài học một cách hứng thú; khuyến khích sinh viên chủ động tìm tòi, học hỏi những kiến thức chuyên sâu liên quan đến môn học; đồng thời, trang bị thêm những kỹ năng giao tiếp, hoạch định công việc, xác định mục tiêu cho sinh viên. Các nội dung về kỹ năng lãnh đạo, khởi nghiệp được kết hợp với các đơn vị trong trường tổ chức mời các doanh nghiệp vào tham gia buổi hướng nghiệp cho sinh viên, tổ chức cho sinh viên tham quan thực tế.

Theo Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, để bảo đảm khả năng ngoại ngữ cho sinh viên tài năng, nhà trường giảng dạy môn Anh văn trong chương trình và tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao năng lực ngoại ngữ trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, nhà trường còn hợp tác với tổ chức quốc tế, thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra trình độ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế để sinh viên nắm rõ được khả năng, trình độ tiếng Anh hiện tại của mình.

Hiện tại, phần lớn các tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, bài báo, bài giảng của giảng viên được sử dụng là ngôn ngữ tiếng Anh. Một số ngành đặc biệt cần sử dụng tiếng Anh thường xuyên vì mang tính quốc tế hóa rất cao. Các lý thuyết, ứng dụng, bài báo, công trình nghiên cứu khoa học của các ngành này luôn được cập nhật nhanh nhất theo xu hướng chung của thế giới. Việc ứng dụng tiếng Anh trong giảng dạy và học tập chính là phương pháp nhanh nhất để sinh viên tiếp cận với xu hướng chung của thế giới ■