Đào tạo chuyên môn, chú trọng kỹ năng đối với người lao động

Một trong những sàn giao dịch việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút nhiều ứng viên tham gia là sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng viên tham gia Sàn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh.
Ứng viên tham gia Sàn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp rao tuyển chủ yếu là lao động phổ thông, nhân viên bảo hiểm, quản lý khách sạn, bán hàng...

Chú trọng kỹ năng mềm

Đến sàn giao dịch việc làm và nộp hồ sơ trực tiếp tại quầy giao dịch việc làm của một công ty bảo hiểm nhân thọ, Trần Thụy Nhi (từng làm nhân viên sale của một sàn giao dịch bất động sản) đắn đo với việc làm mới vì lĩnh vực bảo hiểm được xem là đang trong thời kỳ “bão hòa”. Thấy vậy, trưởng phòng nhân sự của công ty bảo hiểm này đưa ra lời khuyên: “Với nhân viên bảo hiểm bên mình chỉ cần kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm và muốn tìm kiếm cơ hội thăng tiến, còn lại công ty sẽ đào tạo lại để nhân viên nắm rõ cơ cấu nhân sự, từng đặc thù sản phẩm...”.

Chia sẻ của bộ phận nhân sự công ty bảo hiểm chính là xu hướng chung mà các doanh nghiệp bảo hiểm, thương mại-dịch vụ, bất động sản áp dụng: sau khi tuyển dụng nhân sự đầu vào rồi thì đào tạo lại trên cơ sở đặc thù “sản phẩm”, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, qua đó giúp nhân viên bán hàng, sản phẩm một cách hiệu quả nhất, mang lại doanh số như mong muốn...

Tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hay - chủ một khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, Quận 1 trực tiếp đến đây để tuyển dụng nhân viên quản lý phòng với mong muốn có thể gặp và phỏng vấn trực tiếp ứng viên.

Bà Hay chia sẻ, gia đình bà kinh doanh khách sạn đã hơn chục năm, sau đợt dịch Covid-19 khách nước ngoài quay trở lại thành phố tăng cao và có nhu cầu lưu trú dài ngày cho nên bà muốn tuyển dụng nhân viên quản lý phòng có kinh nghiệm, nhất là có khả năng giao tiếp tiếng Anh. Bà Hay thể hiện quan điểm là chấp nhận trả lương cao hơn mặt bằng chung, đồng thời đào tạo thêm kỹ năng cho nhân viên tại các trường nghiệp vụ du lịch-khách sạn để nâng cao chuyên môn, phục vụ nhu cầu cao và “khó tính” của khách lưu trú.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay doanh nghiệp sử dụng lao động có xu hướng tuyển dụng nhân viên có ngành nghề mang tính chất “tích hợp”, yêu cầu nhân viên vừa có kinh nghiệm, vừa có khả năng làm nhiều việc, kèm theo kỹ năng mềm.

Đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ doanh nghiệp chỉ cần người lao động đáp ứng 50% yêu cầu đặt ra, để trả mức lương vừa tầm, sau đó đào tạo lại, bổ túc thêm rồi sàng lọc và bố trí họ vào từng vị trí, công việc phù hợp.

Theo ông Tuấn, xu hướng kỹ năng số hiện nay bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi.

Đa dạng kết nối cung-cầu lao động

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Tính trong quý I/2024, trung tâm đã tiếp nhận 28.535 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023 (32.255 hồ sơ); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 26.142 người.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố lý giải, lý do giảm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp vì quý I/2024 tình hình kinh tế khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao để đáp ứng nhân lực phục vụ sản xuất. Ngoài ra, các hoạt động kết nối cung-cầu lao động được tổ chức nhiều và đa dạng giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm được việc làm phù hợp nên tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Đồng thời, trước tình hình khách du lịch đến thành phố có nhiều khởi sắc (kể cả thị trường khách nội địa và khách nước ngoài), trung tâm sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm chuyên biệt dành riêng cho nhân lực ngành du lịch vào ngày 5/4.

Dự kiến chương trình sẽ có 25 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng nhân sự và 20 cơ sở đào tạo ngành du lịch (từ hệ trung cấp đến đại học) tham gia quảng bá hoạt động của trường, đưa sinh viên đến tìm hiểu cơ hội việc làm. Sàn giao dịch việc làm lần này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành du lịch và các trường có đào tạo ngành này tìm hiểu, kết nối và tiến tới liên kết với nhau theo hướng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, tuyển dụng trực tiếp từ nhà trường, qua đó góp phần cùng thành phố thúc đẩy thị trường du lịch tăng trưởng bền vững.

Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố: Vấn đề việc làm, thu nhập là nhu cầu cấp thiết của người lao động, do đó Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động thành phố, Bảo hiểm xã hội, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố kịp thời tìm hiểu, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, phải cắt, giảm việc làm của người lao động để rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động, giảm thiểu tình trạng biến động lao động với số lượng lớn.

Cùng với đó, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức các hoạt động kết nối việc làm cho người lao động thông qua các phiên, sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động tìm hiểu, trao đổi và thỏa thuận trước khi quyết định vào làm việc; tổ chức tư vấn, hướng dẫn các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, đặc biệt là tư vấn để người lao động tham gia các khóa hỗ trợ học nghề (nghề mới hoặc đào tạo nâng cao), từ đó giúp người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp theo nhu cầu của xã hội.