Chuyện buồn đã xảy ra và nhiều phương tiện truyền thông đã đưa tin. Thời điểm hiện nay, khách du lịch là người Việt Nam đều đã biết và lưu tâm, dặn mình “vui có thời, chơi tìm chỗ”, nhiều người trong hành trình khám phá của mình đã tạm dừng ra đảo. Truyền thống người Việt Nam không nhắc nhưng vẫn nhớ dạ ghi lòng về những chuyện xảy ra không vui. Trong tục ngữ cũng có câu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, đó là câu nói ví von, răn dạy cộng đồng.
Và một hệ lụy kéo theo sau sự cố, tâm lý du khách đã ít nhiều tác động tới tuyến du lịch sôi động này. Dẫu những ca-nô chở khách vẫn tiếp tục ra khơi vì sinh kế hay tạm nằm bờ “nghe ngóng”, thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, du lịch vẫn cần tiếp lửa hồi sinh.
Một điều khác nữa, ít ai để ý đến, đó là những người dân sống trên đảo Cù Lao Chàm-họ đã giữ cho hòn đảo xanh, sạch, đẹp để đón khách. Người trên đảo với bản tính thuần hậu, mến khách trong đất liền ra thăm đảo. Trong hành trình đón khách ra đảo hơn 20 năm qua, họ đã làm tốt điều này. Họ không có lỗi, không đáng bị thiệt hại vì một khâu bị lỗi trong chuỗi liên kết du lịch.
Vài năm nay, có nhiều tháng ngày, đảo hoàn toàn biệt lập vì phòng, chống dịch bệnh. Hơn ai hết, đảo cũng nhớ bước chân người, khách du lịch nhớ bãi cát vàng trên đảo nhỏ. Qua một mùa đông gió rét, mùa xuân đang nhen lên những niềm vui cho người ở đảo. Họ đã rục rịch sơn sửa lại những con thuyền nhỏ cho khách thuê bơi trải nghiệm. Họ dọn dẹp sửa sang hàng quán, lau dọn phòng nghỉ, khử ẩm mốc quanh nhà để đón khách ra đảo... Nay, tất cả như “đứng hình”, đảo lác đác có bóng khách lẻ, không nườm nượp như kỳ vọng về trạng thái “bình thường mới”.
Nhiều khách sạn trong phố cổ Hội An cũng cho biết, khách du lịch đã cắt ngắn chuyến đi vì dự định ra đảo của họ đành phải hủy, họ sẽ về Đà Nẵng hoặc về nhà. Sự âm thầm không nói ra nhưng lại là cả một vấn đề lớn trong ngành du lịch.
Du lịch-một chuỗi giá trị liên quan tương tác lẫn nhau tạo nên tổng thể hài hòa, nếu không đạt được sự hoàn hảo thì cũng phải tính đến những an toàn cho khách. Vì thế, chỉ “một mắt xích” thiếu an toàn sẽ tạo nên nhiều hoang mang cho du khách và ảnh hưởng đến nhiều dịch vụ khai thác khác của ngành nghề.
Vụ lật ca-nô cứ lan tỏa trong cộng đồng làm dịch vụ du lịch và cả người không tham gia trong ngành du lịch.
Đó là những niềm tiếc thương, đau xót, phân tích đa chiều về kết cấu tàu thuyền du lịch. Dù quen, dù lạ, khi gặp nhau là họ nói chuyện về ca-nô, tàu du lịch. Ngoài khía cạnh kỹ thuật, nhiều người chung quan điểm nhận xét về thao tác điều khiển tàu, phong cách phục vụ của nhiều người lái ca-nô đưa khách du lịch ra đảo.
Dù là kinh nghiệm luồng lạch, thâm niên nghề tới cỡ nào, nhưng “đùa nghịch” với sóng mà không xem xét trên khoang có nhiều đối tượng hành khách là người già, trẻ em, phụ nữ và tâm trạng bất an của họ, cũng là điều không nên.
Nhiều người ra đảo vài lần, chứng kiến những cú tăng tốc cho mũi ca-nô vếch lên, thân ca-nô đập mạnh vào sóng, tạo độ “nảy sóc” trên mặt biển, nước bắn tung tóe. Ngồi trong khoang, nếu khách mở cửa sổ sẽ bị nước biển tạt vào ướt mặt, ướt áo, thậm chí nước biển còn bắn cao, tung bọt nước trắng xóa trên boong tàu.
Câu chuyện về vận tải khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm vừa qua là một bài học đắt giá cần cảnh tỉnh đối với những chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện, tránh “đùa cợt” tay lái.
Người lái tàu thuyền du lịch cần phải nghiêm cẩn với chính mình, không nên quá khích khi tay lái tàu, tai nghe tiếng hò hét của nhóm thanh niên và lấy đó làm niềm vui. Trong sự hò hét đó, có người do thích thú cảm giác mạnh, khâm phục tài công, nhưng cũng nhiều người do hoảng sợ mà hét lên. Cần phải nhớ, lái tàu, lái ca-nô đưa người đi trên sông, qua biển thì điều cần thiết nhất là sự an toàn. Cần phải hiểu, khi ca-nô “bay” trên sóng, là lúc anh đang “tung hứng” với số phận của khách trên tàu.
Mùa hè, cũng là mùa du lịch biển đảo, du lịch trên sông. Bài học đắt giá về tàu chìm, ca-nô lật không phải là chuyện tâm linh, không bao giờ cũ đối với những người cầm lái.