Phim mới, khung giờ mới
VTV1 xưa nay vốn là “đất” của phim chính luận. Nhưng kể từ ngày 8-4, sự xuất hiện của bộ phim đề tài gia đình “Về nhà đi con” của đạo diễn Danh Dũng đã “thổi” một làn gió mới, tạo nên hiệu ứng đặc biệt chưa từng có từ trước tới nay trên màn ảnh nhỏ. “Về nhà đi con” kể một câu chuyện gần gũi, dung dị, giống như câu chuyện của mỗi gia đình vẫn đang diễn ra hằng ngày, nhưng đã thực sự chạm tới trái tim khán giả. Trên các trang tương tác của VTV như fanpage phim “Về nhà đi con”, VTV giải trí, thu hút hàng nghìn lượt like, comment mỗi khi có preview tập mới hoặc clip ngắn về một nội dung nào đó của bộ phim. Fanpage “Về nhà đi con” thu hút tới hơn 600 nghìn lượt like page, một con số mà bất kỳ fanpage nào cũng phải mơ ước. Đây có thể gọi là thành công rực rỡ khi “Về nhà đi con” là bộ phim “mở màn” cho khung giờ 21 giờ trên kênh VTV1 của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC).
Đây là một sự đổi mới khá mạnh dạn của VFC, như đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC chia sẻ: Một khung giờ mới hoàn toàn, thời lượng phim cũng thay đổi, khoảng 25-30 phút mỗi tập phim, là một thử thách đối với VFC, đối với các đạo diễn tham gia.
Chính vì thế, “Về nhà đi con” được đầu tư một ê kíp hùng hậu, những diễn viên đã rất quen thuộc trên truyền hình và đạo diễn cũng mát tay với những dự án hết sức thành công như “Khi đàn chim trở về”, “Người Phán xử”…
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng là người đầu tiên “nhận” thử thách của khung giờ phim mới này. Anh chia sẻ: “Đây là kênh phim mới, đặt nền móng cho khung giờ từ 9 giờ đến 9 giờ 30. Có thể nói đây là một quyết định đột phá của lãnh đạo VFC, khi làm mới một bộ phim từ phim cũ đã thành công là “Người đàn ông góa vợ bật khóc”. Khi nhận lời làm bộ phim, ê kíp làm phim cũng khá áp lực. Anh Đỗ Thanh Hải đã ngồi cùng đội ngũ biên kịch và tôi, quyết định làm mới một bộ phim từ phim cũ, và xây dựng theo chiều hướng muôn màu muôn vẻ của cuộc sống”.
Đội ngũ biên kịch cũng khá áp lực. Bốn cô gái trẻ Thu Thủy, Khánh Hà, Đỗ Tiên và Nguyễn Trang trước đây cũng từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ với “Zippo, mù tạt và em”, “Chạy trốn thanh xuân”… nhưng trước yêu cầu lấy cảm hứng, làm mới từ một bộ phim cũ, cũng không phải dễ dàng gì. Nhưng có lẽ chính vì sức ép đó mà nhóm biên kịch đã “bật” ra được một kịch bản làm nền móng cho thành công rực rỡ của bộ phim hôm nay.
Đạo diễn Danh Dũng nói: “Thời gian thì gấp, làm lại một phim cũ không dễ. Nhưng cũng chính vì thế mà cả nhóm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh em chúng tôi ngồi lại với nhau bàn bạc phá kịch bản cũ ra xây dựng lại từng nhân vật, từng tính cách. Nhóm biên kịch viết đề cương và kịch bản được khoảng 25 tập thì bắt tay vào quay. Giai đoạn sau hôm nào kịch bản ra, đoàn lại nghỉ một hai hôm để ngồi lại với nhau căn chỉnh theo mạch”.
Sức hút từ sự dung dị, gần gũi
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng chia sẻ: “Chúng tôi muốn làm một bộ phim gần gũi, chân thực và mang yếu tố gia đình, tạo ra một sự ấm áp. Những nhân vật chúng tôi xây dựng không một nhân vật nào quá tốt, quá tích cực, không có nhân vật nào quá xấu. Mỗi nhân vật đều có những mảng tối, mảng sáng và từng bước, họ đều tự hoàn thiện mình để tìm được tiếng nói chung, tìm được định hướng trong cuộc sống”.
Cảnh trong phim "Về nhà đi con".
Đối với đạo diễn, thành công đối với anh là sự ghi nhận của khán giả. “Tôi thấy phim có tính cộng hưởng tốt, từ truyền thông, từ những phản hồi, tương tác của khán giả. Tôi cho rằng phim trở nên đa chiều hơn và tạo ra một diễn đàn nhờ các bài viết và bình luận của khán giả, mọi người nhìn thấy giá trị của gia đình, họ chia sẻ những góc khuất, hoàn cảnh, tâm trạng của họ, và điều đó một lần nữa hun đúc lại yếu tố gia đình”.
Đạo diễn đánh giá cao kịch bản của bộ phim: “Trong phim này, tôi rất trân trọng yếu tố kịch bản. Từ một phim cũ lấy cảm hứng viết lại, các bạn biên kịch đã làm rất tốt, trong áp lực về tiến độ phải làm sao viết kịp để quay và lên sóng, rồi cách xây dựng nhân vật như thế nào để có được mạch truyện liên tục, cách kết hợp giữa nhóm biên kịch với đạo diễn ngoài hiện trường, đạo diễn hậu kỳ để tuyến nhân vật đi đúng hướng, gây được những tình huống đột biến để cuốn hút khán giả. Nhóm biên kịch viết rất chắc tay, và quan trọng là họ có cảm xúc, có đam mê”.
Ngoài ra, sự sát sao của chính Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải cũng góp phần tạo nên thành công của phim. Đạo diễn Danh Dũng nói: “Từng là một đạo diễn phim, cho nên anh Đỗ Thanh Hải rất hiểu nghề, anh lại là người rất yêu nghề, cho nên anh đã điều phối và định hướng rất tốt, và song hành cùng đoàn làm phim. Những điều đó tạo nên cho đoàn phim một môi trường, một bầu không khí làm việc rất tốt để có được sản phẩm như hôm nay”.
Sáng tạo tập thể
Đạo diễn Danh Dũng cho biết, điều quan trọng làm nên sức hút của bộ phim chính là từ sự sáng tạo của các diễn viên. Đằng sau sự sáng tạo đó là đóng góp của cả tập thể đoàn làm phim: “Chúng tôi không quy định phải tuân thủ hoàn toàn kịch bản mà mở cho diễn viên sáng tạo. Trước mỗi cảnh quay, tôi thường “bung” ra hết để mọi người trao đổi về kịch bản, thoại đã đắt chưa. Kịch bản chỉ là bản lề, là cái gốc, diễn viên được quyền sáng tạo, có thể thay thoại hợp lý hơn. Đạo diễn cũng có quyền sáng tạo, có thể câu thoại đó trong hoàn cảnh đó chưa hợp, đạo diễn đẩy ra, lắp vào một cảnh khác phù hơn với trạng thái, hoàn cảnh của nhân vật”. Đó là “bí quyết” tại sao lời thoại trong “Về nhà đi con” rất gần gũi, rất “đời”.
Đoàn làm phim đi quay tại Hà Nội trong cái nắng 40 độ.
Việc khuyến khích sáng tạo tập thể được đạo diễn áp dụng trong mọi khâu của bộ phim, kể cả casting diễn viên. “Phim này khi chọn diễn viên, chúng tôi đã phản biện với nhau rất kỹ, thí dụ khi đưa ra một mẫu diễn viên, chúng tôi phải thuyết phục được lãnh đạo VFC tại sao lại chọn diễn viên này. Hoặc ngược lại, lãnh đạo hãng đưa ra lý do hợp lý cho việc chọn diễn viên khác, chúng tôi đồng ý. Từ đó chúng tôi có được một dàn diễn viên ưu tú, vào vai rất chân thật” – anh chia sẻ. Đấy cũng là động lực để đoàn làm phim “từng bước lấy lại được sự tự tin, và khi làm thì thấy mình làm đúng, cởi bỏ dần áp lực để bắt tay vào công việc, càng làm càng “vỡ” ra được nhiều cái hay”.
Thành công của phim là áp lực, nhưng cũng là động lực cho đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Anh cho biết, khi xong bộ phim, anh muốn nghỉ ngơi một thời gian để “quên” bộ phim đi, rồi mới chọn một đề tài mình thích. Hiện nay anh đang quan tâm đến đề tài mẹ đơn thân, đẻ thuê. “Thời gian vừa rồi, tôi có đọc một phóng sự về đẻ thuê: Mẹ cần tiền nên nhận lời đẻ thuê, nhưng khi nhận về một cục tiền, trao con cho người khác, lại thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa. Thế là bắt đầu hành trình đi tìm con. Câu chuyện đó mà làm tốt là lấy được vô khối nước mắt của người xem”.