Lời mời sang Mỹ chiếu phim đến với đạo diễn Đặng Nhật Minh nhiều tháng trước đây. Nhưng do phía các trường ĐH Mỹ muốn chiếu phim 35mm, nên ông đã mất khá nhiều thời gian để copy nhiều bản phim nhựa khác nhau và làm phụ đề tiếng Việt. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, ban đầu chỉ có đại diện của hai trường ĐH mời ông sang. Nhưng sau đó do nghe thông tin từ "ASIAN Cultural Society", nên một số trường khác cũng ngỏ ý mời ông đến giới thiệu phim của mình và nói chuyện với sinh viên của họ.
Không phải là lần đầu tiên đạo diễn Đặng Nhật Minh sang Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên ông không đi dự liên hoan phim, mà "có dịp bộc bạch về quá trình thực hiện những bộ phim nổi tiếng của mình" như "Bao giờ cho đến tháng mười". "Hà Nội mùa đông 46", "Thương nhớ đồng quê", "Trở về" "Mùa ổi". Trong đó, "Bao giờ cho đến tháng mười" là bộ phim Việt Nam đầu tiên được trình chiếu tại Mỹ sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975). Năm 1985, bộ phim này đã được giới thiệu tại Hawaii. "Bao giờ cho đến tháng mười" cũng là bộ phim được các sinh viên ngành Việt Nam học trên khắp nước Mỹ tìm xem.
Nguyên là Tổng thư ký hai nhiệm kỳ (III và IV) của Hội điện ảnh Việt Nam, tham gia Quốc hội trong nhiệm kỳ IX (1993-1997), đạo diễn Đặng Nhật Minh được đánh giá là một trong những nhà làm phim hàng đầu Việt Nam và cũng là đạo diễn Việt Nam được biết đến nhiều nhất ở Mỹ. Sinh năm 1938 tại Huế, 28 tuổi ông bắt đầu làm phim tài liệu và năm 1975 chuyển sang phim dài. "Bao giờ cho đến tháng mười" được ông thực hiện năm 1984 là một trong những bộ phim ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam như một tác phẩm điện ảnh kinh điển.
Nhìn chung, tất cả những phim của Đặng Nhật Minh đều "có duyên" với giải thưởng quốc tế. Có thể kể tới "Bao giờ cho đến tháng mười" với giải đặc biệt của BGK trong LHP Hawaii -Mỹ năm 1985. "Trở về" với giải đặc biệt của BGK trong LHP châu Á -Thái Bình Dương tại Sydney năm 1994, "Thương nhớ đồng quê" với giải Kodak của BGK trong LHP châu Á - Thái Bình Dương năm 1996 giải khán giả của LHP Nante năm 1996, giải khán giả của LHP Fribourg Thụy Sĩ... Trong phim của ông, nội tâm nhân vật luôn được xem là trung tâm, chứ không phải sự kiện. Ngay với bộ phim "Hà Nội mùa đông 1946", dù "tràn trề" những sự kiện lịch sử, nhưng yếu tố chủ đạo vẫn là đời sống nội tâm của Hồ Chủ tịch và các nhân vật khác. Hay với "Thị xã trong tầm tay", dù đủ cả bom rơi, đạn nổ... nhưng con mắt đạo diễn vẫn chú tâm vào diễn biến nội tâm của nhân vật Vũ, những dằn vặt của kẻ đã phản bội lại đi điều tra về sự phản bội. "Với tôi điện ảnh là phương tiện để khai thác đời sống nội tâm của con người"- ông tâm sự. Và có lẽ chính vì vậy mà dễ làm " lay động" lòng người, khiến người ta dễ cảm và yêu phim ông hơn.