Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và bộ phim truyện nhựa đầu tay

Cảnh phim "Sống trong sợ hãi" - diễn viên Trần Hữu Phúc vai tay đào đất
Cảnh phim "Sống trong sợ hãi" - diễn viên Trần Hữu Phúc vai tay đào đất

Vừa hội thảo vừa đi thăm Liên hoan phim Tokyo đang diễn ra, thăm chợ phim..., Thạc Chuyên kể: "Ở Nhật Bản doanh thu từ công nghiệp giải trí đứng thứ tư. Còn ta mới ở bước đầu tiên, nhiều khi quan niệm vẫn mơ hồ...".

Đây là lần thứ hai Bùi Thạc Chuyên sang Nhật. Bốn năm trước anh từng nhận giải tài trợ của Hãng NHK cho phim tài liệu  Tay đào đất. Sau đó ngót mấy năm nay Bùi Thạc Chuyên vẫn tiếp tục khai thác Tay đào đất. Nguyên mẫu là ông Ngô Đức Nhật, một nông dân cần mẫn cày cuốc trên mảnh đất đầy bom mìn để sống và tồn tại cho đạo diễn nhiều chi tiết hay mà khuôn khổ phim tài liệu chưa tải hết. Vậy là bắt tay vào viết kịch bản phim truyện nhựa. Hơn hai  tháng anh lăn lộn với đất khô cằn và nắng nóng sém da ở Ninh Thuận. Đúng thời điểm 300 ngày không mưa, ngày đầu quay diễn viên nam chính (diễn viên trẻ Trần Hữu Phúc) ngất đi vì nắng quá. Tên phim cũng đổi mấy lần, phim tài liệu là Tay đào đất, sang phim truyện thành Đất  lành, cuối cùng là Sống trong sợ hãi , hấp dẫn khán giả hơn.

Phim có những cảnh vừa hì hục đào đất vừa lo mìn nổ bất cứ lúc nào. Sống trong sợ hãi áp dụng phương pháp quay và thu thanh đồng bộ.

Thạc Chuyên cho biết: "Bản thân tôi từng là diễn viên nên biết thế nào là sự tự nhiên  của giọng nói. Để thu thanh đồng bộ tôi phải thu thử tiếng xem cách nói của diễn viên có phù hợp nhân vật không, khi giao tiếp có hợp nhau không...

Mỹ Uyên đã diễn ở sân khấu khá lâu rồi nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải chỉnh giọng. Phim thu thanh đồng bộ trong điều kiện kỹ thuật của ta chưa tốt mà làm được như vậy tôi cho là giọng được".

Quay và thu âm đồng bộ trong điều kiện kỹ thuật và tính chuyên nghiệp chưa cao quả vô cùng vất vả. Chỉ một động tác sơ ý của thư ký như ghi sai ngày tháng cảnh quay, để hình một nơi hãng một nẻo, khi về dựng tìm đúng mẩu tiếng trong hàng đống băng ghi âm quả thực là kinh khủng. Những người được thuê làm trật tự thì đôi lúc mải mê đứng xem mà quên nhiệm vụ, để lọt một tiếng nói hoặc tiếng chiếc xe máy chạy vèo qua, vậy là vứt đi cả cảnh quay. Mệt mỏi và tốn kém một phần vì thế.

Dầu vậy đạo diễn vẫn thấy mình may mắn: "Tìm được diễn viên hợp ý, diễn cống hiến - Anh nói thêm - Nếu cứ giữ mức đãi ngộ diễn viên như hiện nay thì không thể có công nghiệp giải trí được. Hai tháng trời làm phim quần quật, diễn viên chính chỉ được hơn chục triệu".

 Sống trong sợ hãi khá dài (khoảng 107 phút), hãng NHK tài trợ phần hậu kỳ, công đoạn in tráng thực hiện tại Thái-lan.