Trước nguy cơ lò gạch bị đập phá để chuyển nghề, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít”. Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo - làng gạch ngói Vĩnh Long.
Độc đáo làng gạch ngói Vĩnh Long
Khu vực làng nghề gạch nung trải dài hơn 30 km từ TP Vĩnh Long tới địa phận huyện Long Hồ và huyện Mang Thít. Trong đó, xã Nhơn Phú và Mỹ Phước của huyện Mang Thít là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn nhất. Từ những tảng đất thô sơ qua bàn tay tài hoa của người thợ trở thành những sản phẩm hữu ích cho người dân.
Theo các bậc cao niên ở đây, xưa kia, khi nghề làm gạch thủ công truyền thống còn thịnh vượng, mỗi nhà sở hữu vài miệng lò. Những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một “vương quốc” với hàng trăm tòa lâu đài nhỏ. Thời điểm hưng thịnh nhất, tỉnh Vĩnh Long có tới gần 2.000 lò gạch gốm nung.
Trước kia khi giao thông chưa phát triển, gạch được vận chuyển đi khắp miền nam bằng đường sông. Nhiều chủ lò tâm sự, cách đây chừng chục năm, lò nào cũng rực lửa, ghe chở hàng, chở nguyên liệu đến và đi đậu kín cả sông Mang Thít, Cổ Chiên, kênh Thầy Cai.
Ông Bùi Văn Bảy (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) với hơn 30 năm làm lò gạch bùi ngùi: “Hồi xưa nguyên liệu đất đai dồi dào, màu mỡ, làm gạch phồn thịnh, bán chạy lắm. Sản xuất bao nhiêu cũng không đủ bán. Bán ở nhiều tỉnh trong khu vực miền Tây này. Nhưng do sản xuất lò truyền thống khói lên ô nhiễm môi trường và nhà nước khuyến khích sử dụng gạch không nung nên nhiều lò đã tạm ngưng hoạt động hoặc phá dỡ lò để chuyển đổi nghề khác. Riêng tôi gắn bó, yêu nghề nên gìn giữ đến ngày hôm nay với mong muốn con cái giữ gìn nghề cha ông để lại”.
Những công đoạn làm ra sản phẩm gạch đỏ Vĩnh Long.
Ông Dương Chí Hiền (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít), cho biết: Sở dĩ gạch ở Vĩnh Long được nhiều người biết đến và ưa chuộng bởi nguyên liệu là nguồn đất sét đỏ quý hiếm của địa phương. Từ đó chất lượng những viên gạch được sản xuất ra cũng chắc, bền hơn với thời gian. Một lò gạch thường cao tầm 12m. Người ta cần đến năm ngày để tải và dỡ gạch, 15 ngày để nung và bảy ngày chờ gạch nguội. Gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất kỹ lưỡng, để bảo đảm gạch “chín” vừa đúng. Sau khoảng một tháng rưỡi nung, thành phẩm thu được là khoảng 120 nghìn viên gạch đỏ son đúng chuẩn”.
Đồng chí Hồ Phước Dư, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ: “Những năm gần đây, do tình hình khó khăn về cạnh tranh nguyên liệu, nhiên liệu và giá cả nên nhiều cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng. Trước đây trên địa bàn xã Mỹ Phước có khoảng hơn 100 cơ sở với gần 400 miệng lò, nay chỉ còn khoảng 20 mấy cơ sở, hoạt động cũng cầm chừng mà thôi”.
Tâm huyết gìn giữ làng nghề
Để gìn giữ cái nghề gắn bó với gia đình bao đời nay, cũng như đáp ứng yêu cầu thị trường, ông Dương Chí Hiền, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, các kỹ thuật khoa học tiên tiến của ngành cơ khí vào sản xuất gạch nung nhằm giảm thiểu công lao động, khí thải ra ngoài môi trường đồng thời cũng giảm được phần nào chi phí sản xuất.
Hiện gia đình anh Tân có tới 86 miệng lò trên diện tích hơn 2 ha. Những thành công khi áp dụng công nghệ cao sản xuất gạch, không chỉ khí thải thân thiện với môi trường mà chi phí đầu vào cũng giảm đáng kể. Từ đó nâng cao tính cạnh tranh, đồng thời tạo được việc làm đều đặn cho khoảng 60 nhân công với thu nhập ổn định.
Anh Dương Chí Hiền, tâm sự: “Tôi làm lò gạch truyền thống từ năm 1983 đến 2017, sau đó thấy gặp khó tôi đi học hỏi nhiều nơi về mạnh dạn chuyển đổi qua công nghệ mới này. Thật sự rất trăn trở vì các lò thủ công truyền thống mình phải bỏ hết, mình làm lại lò mới tốn tiền, rồi kỹ thuật, mặt bằng. Hồi xưa chỉ cần nhập viên mê bỏ vô máy cối là chạy ra viên gạch thôi, giờ đất càng ngày càng hiếm, tôi phải nhập những loại đất có sạn, đất sạn có màu nhiều hơn. Đồng thời phải làm những cái cối ép sạn cho mỏng, qua cối mới chạy ra gạch. Cho nên nói viên gạch bây giờ thì độ dẻo của nó chắc chắn hơn, cứng cỏi hơn. Cải cách nữa là hồi xưa mình kéo xe, giờ mình cải cách lại thành xe điện là thứ nhất. Thứ hai, lúc xưa trụm bằng tay gạt giờ thì máy móc. Rồi trấu cũng được hệ thống hút lên mang tới chỗ hết. Nhân công hồi xưa 10 giờ giảm còn 6 hoặc 7 người. Điều đáng mừng nữa là công nghệ này giúp tận dụng được nguồn nhiệt để sấy khô những viên gạch mới vô lò, sau đó mình chỉ cần nung lửa cho chín thôi. Thời gian cho ra sản phẩm rút ngắn lại 1/3 đến ¼ lò thủ công truyền thống, sản phẩm cũng nhiều hơn. Giá từ đầu vào nhẹ nên đầu ra mới giá rẻ, khách hàng ưa chuộng hơn”.
Bảo tồn thành di sản đương đại
Đi dọc dòng sông Cổ Chiên hay len lỏi vào các kênh Thầy Cai, Bà Nữ của huyện Mang Thít, xa xa vẫn thấy nhiều lò gạch nằm trơ mình trong nắng gió. Nhưng rêu đã mọc, bụi đã bám, phủ lên “vương quốc gạch nung” một màu thời gian nhuốm đầy hoang lạnh.
Trước thực trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long hướng tới việc xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít” nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại, đồng thời, giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Chí Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), trăn trở: “ Hiện nay trên địa bàn huyện có 425 cơ sở gạch gói với 663 miệng lò, nhưng thực tế chỉ còn 111 cơ sở sản với 115 lò còn đang hoạt động, phần lớn bà con cũng đã ngưng. Địa phương rất trăn trở vì có những gia đình đã gắn bó 3-4 thế hệ với ngành nghề này. Với đề án phát triển nơi đây trở thành “Di sản đương đại Mang Thít”, huyện cũng đang phối hợp sở, ban, ngành để đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp cho bà con”.
Với lợi thế hệ thống lò gạch gốm đặc trưng, tỉnh Vĩnh Long đã và đang phối hợp thực hiện “Đề án di sản đương đại Mang Thít” để phát triển du lịch. Đề án được xây dựng dựa trên ý tưởng khai thác các lò gạch truyền thống hiện có, làm nền tảng, điểm nhấn mang tính đột phá với quy mô lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Chính việc làm “sống dậy” những lò gạch cũ rêu phong phục vụ du lịch sẽ tạo sự phát triển cho vương quốc gạch gốm Mang Thít một thời hưng thịnh.
Kênh Thầy Cai (xã Mỹ Phước và xã Nhơn Phú (huyện Mang Thít) là một trong những điểm nhấn, tập trung nhiều nhất hệ thống các lò gạch được xây dựng hơn 100 năm tuổi. Có dịp tham quan lò gạch nơi đây, du khách không khỏi trầm trồ trước những hình ảnh hàng trăm lò gạch đã phủ màu theo thời gian nằm thẳng tắp, và những câu chuyện về làng nghề gạch gốm lần đầu tiên được nghe kể…
Chị Tạ Thị Tú Quyên (du khách TP Hồ Chí Minh), phấn khởi: “Một làng nghề truyền thống của Vĩnh Long rất lâu đời, hôm nay có dịp đến tham quan, trải nghiệm, có cảm xúc rất đặc biệt, ngoài ra, còn có thể check in được những bức ảnh rất đẹp, tìm hiểu làng nghề truyền thống và chúng tôi mong làng nghề tiếp tục được bảo tồn, phát huy”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, Mang Thít - một kho báu chưa được đánh giá đầy đủ với gần 1.500 lò gạch trải rộng trên diện tích gần 3.000 ha thuộc địa phận huyện Mang Thít, dọc các bờ kênh chính (Thầy Cai, Hòa Mỹ) tạo thành một vòng cung bờ phía nam khép lại tới kênh Nhơn Phú, Hòa Tịnh. Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa - kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo. Song song với điều đó, do tác động không tích cực tới môi trường cũng như gặp nhiều thách thức trong thị trường hiện tại, các lò gạch sẽ được chuyển đổi công năng thông qua các hình thức sáng tạo cảnh quan thiên nhiên và phát huy các lợi thế khác (du lịch văn hóa, ẩm thực, giao thông đường thủy qua hệ thống kênh rạch… Đây là chiến lược có thể biến khối tài sản có giá trị 500 tỷ đồng để mang lại ước tính 1.500 tỷ đồng/năm cho ngành du lịch huyện Mang Thít.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, cho biết: “Đề án sẽ được quy hoạch dựa trên mô hình “tái định cư tại chỗ” để bảo đảm quyền lợi cũng như sinh kế bền vững cho từng người dân. Để làm được điều này, đại diện sở khẳng định, cần có sự chung tay của nhân dân và các nhà đầu tư để hoàn thiện đề án, từ đó, xây dựng một đời sống kinh tế mới cho người dân địa phương. Chúng tôi sẽ phối hợp các ngành cam kết đồng hành cùng người dân khởi nghiệp với dự thảo, xây dựng gói hỗ trợ thỏa đáng cho các hộ dân đồng ý giữ gìn và bảo tồn lò gạch, cùng tỉnh xây dựng và phát triển đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.