Bảo tồn giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng tinh thần trong sự phát triển bền vững, đồng thời huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có trong lĩnh vực văn hóa để phát triển du lịch, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt, ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch như: Kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; đề án bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; kế hoạch bảo tồn và phát huy nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số; kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh...
Nhờ đó, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum những năm qua đạt được những kết quả nhất định. Nhiều loại hình di sản văn hóa được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị, điển hình như: không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum với số lượng 2.134 bộ cồng chiêng; 502 trong số 622 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng; giai đoạn 2011-2020, ngành văn hóa đã sưu tầm, phục dựng 16 nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, kiểm kê và sưu tầm được nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong quá trình đó, ý thức của người dân trong việc gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc được nâng cao, đáng chú ý, nhiều buôn làng đã từng bước biến những giá trị văn hóa truyền thống của mình trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa bảo tồn bản sắc.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Kon Tum và Tây Nguyên có một hệ thống cảnh quan thiên nhiên, nói rộng ra là tài nguyên thiên nhiên rất đẹp, rất phù hợp để phát triển du lịch. Ở đó có những di sản mà thiên nhiên ban tặng cho con người ở vùng đất này. Bên cạnh đó, tài nguyên văn hóa cũng hết sức đặc sắc. Nhìn ở góc độ này, chúng ta thấy không chỉ cồng chiêng và sử thi huyền thoại là di sản được UNESCO công nhận, mà còn cho thấy sự đa dạng của cộng đồng 43 dân tộc anh em đang sinh sống trên vùng đất này. Chính sự đa dạng văn hóa đó sẽ là nét riêng nếu chúng ta biết làm du lịch, từ đó có thể khai thác, phát huy, bởi lẽ sản phẩm du lịch luôn luôn gắn liền với dấu ấn văn hóa.
“Một điều thuận tiện để phát triển du lịch cộng đồng là con người Tây Nguyên nói chung và con người Kon Tum nói riêng rất đoàn kết, chân thành, hiền hòa và mến khách. Họ chính là những người đang kiến tạo, làm nên và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, họ chính là chủ nhân để thực hành các hoạt động du lịch khi triển khai các dự án du lịch cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Đánh thức tiềm năng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhiều buôn làng văn hóa truyền thống được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: làng Kon Ktu, xã Ðăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; làng Bar Gốc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; làng Kon Bring, xã Ðăk Long, huyện Kon Plông; làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Ðăk Hà, huyện Ðăk Hà; làng Ðăk Răng, xã Ðăk Xú, huyện Ngọc Hồi… Tại các làng này vẫn duy trì những đội cồng chiêng truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần hay các nghi lễ tín ngưỡng có liên quan. Người dân ở đó cũng bắt đầu mạnh dạn và dần làm quen với việc đón khách du lịch đến với quê hương của mình.
Thích thú với những trải nghiệm khi tham gia chuyến du lịch cộng đồng tại Kon Tum, anh Nguyễn Ðình Quý, du khách đến từ thành phố Ðà Nẵng chia sẻ: “Mình đã đi du lịch nhiều nơi nhưng những trải nghiệm ở đây, được hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa của người địa phương thật khác biệt. Mình đã được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, chiêm ngưỡng điệu xoang, tìm hiểu về cách dệt thổ cẩm, làm nhà rông truyền thống… Ðược hòa mình với không gian văn hóa nơi đây thật tuyệt vời”.
Tuy nhiên, du lịch cộng đồng tại Kon Tum cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn dễ nhận thấy nhất là hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nếu như không muốn nói là còn rất thấp kém, sản phẩm du lịch cũng đang đơn điệu và manh mún, nhỏ lẻ, nhân lực làm du lịch chưa chuyên nghiệp và bài bản.
Ðể giải quyết những bài toán khó khăn này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thì sắp tới, ngoài việc liên kết hành động, phát triển du lịch theo hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phải tính toán, lựa chọn công việc theo hướng phục hồi du lịch gắn với gói phục hồi kinh tế mà Chính phủ đã có nghị quyết. Tiếp cận theo hướng này, Kon Tum cần quy hoạch lại hệ thống du lịch, các điểm đến du lịch của Kon Tum và phải được kết nối vào trong các quy hoạch du lịch và điểm đến du lịch của quốc gia. Có quy hoạch thì mới có cơ hội để đầu tư phát triển, và mới phát triển một cách bền vững.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình cho biết: Du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều buôn làng người đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Sắp tới, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cho thế hệ trẻ để người dân hiểu được giá trị, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa của từng tộc người, từ đó có ý thức tự bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ðồng thời, phát huy nguồn lực của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh; tổ chức các lớp truyền nghề, quản lý văn hóa, tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian, nghiệp vụ văn hóa du lịch cộng đồng nhằm đưa vào phục vụ du lịch…