Danh họa Trần Văn Cẩn

Lớp vẽ của em. Sơn dầu của Vũ Giáng Hương
Lớp vẽ của em. Sơn dầu của Vũ Giáng Hương

Trên hết, ông vẫn là một họa sĩ tài năng, với những tác phẩm mang lại thành công lớn lao cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ khi nền mỹ thuật ấy mới ở giai đoạn bắt đầu.

 Sinh tại Kiến An (Hải Phòng), đã học Trường Bách Nghệ, rồi đi làm ở Sở cá Nha Trang, ông say mê nghề vẽ từ nhỏ. Rồi năm 1931, thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, vẽ trở thành nghiệp của ông.  Vào quãng  giữa những năm 40 của thế kỷ trước, câu "Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) cho thấy công chúng đã sớm khẳng định Trần Văn Cẩn vào hàng những bậc thầy của hội họa thời đó và tất nhiên, cả về sau này. Cho đến ngày mất, ông  vẫn giữ vị trí đại thụ trong làng mỹ thuật.

Suốt 60 năm sáng tạo bền bỉ, Trần Văn Cẩn để lại một gia sản hội họa đồ sộ  (mà ông gọi đó là món quà mọn dành cho người vợ cuối cùng của ông) với hàng nghìn bức tranh nhiều chất liệu. Những tác phẩm nổi tiếng của ông đã nằm trong Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia luôn được coi là báu vật của đất nước: Em Thúy (sơn dầu); Hai thiếu nữ trước bình phong (lụa);  Gội đầu (khắc gỗ); Tát nước đồng chiêm (sơn mài); Nữ dân quân vùng biển (sơn dầu); Công nhân hầm lò (sơn dầu); Con đọc bầm nghe (lụa); Mùa thu đan áo (sơn mài); Thằng cu đất mỏ (sơn mài); Mưa mai trên sông Kiên (sơn mài); Trong lòng đất (sơn mài)... Sự đa dạng về chất liệu là một hướng đi của Trần Văn Cẩn từ rất lâu, khi học trong Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, ông đã say mê nghiên cứu lụa và khắc gỗ trong khi học sơn dầu. Sơn mài là một tìm tòi không dứt ra được của ông. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang..., Trần Văn Cẩn mày mò thể nghiệm, pha chế nguyên liệu từ sơn ta, tìm ra được một bảng mầu rực rỡ chưa từng có trong sơn mài mỹ nghệ truyền thống và góp phần đưa sơn mài thành một chất liệu quý giá không thể thiếu trong sáng tạo mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Bài tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương năm 1936 của Trần Văn Cẩn chính là một tranh sơn mài, bức bình phong có tên là “Vinh quy hiện đại” mà đậm chất dân tộc.

Mùa đông sắp đến. Sơn mài của Trần Văn Cẩn

Cách mạng Tháng Tám làm cháy  lên tinh thần yêu nước vốn có trong con người ông. Như  nhiều họa sĩ yêu nước  trong thời kỳ ấy, Trần Văn Cẩn tham gia Văn hóa cứu quốc, ông cùng Nguyễn Ðỗ Cung, Nguyễn Sáng hào hứng vẽ tranh cổ động quanh Hồ Gươm. Những tranh cổ động cỡ lớn của ông: Phá xiềng; Cứu nông dân, trừ giặc đói; Ba kỳ thống nhất có tác dụng động viên tâm lý rất lớn đối với công chúng thời kỳ đó. Ðặc biệt, bức tranh rộng hàng mấy mét vuông Nước Việt Nam của người Việt Nam treo suốt mấy tầng nhà Ðịa ốc Ngân hàng, phố Ðinh Tiên Hoàng ngày nay, là một tác phẩm thể hiện rất rõ lòng yêu nước và tình cảm lớn lao của một họa sĩ thường có phong cách êm dịu, yêu cái đẹp thông thường, thiếu nữ, hoa trái, phong cảnh... bỗng bừng lên khát khao cách mạng và quyết tâm dấn thân vào con đường nghệ sĩ - chiến sĩ.

Ði theo kháng chiến, làm công tác tuyên truyền ở Từ Sơn, Bắc Ninh, ở Liên khu II; tháng 7 năm 1948, tại Ðại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, ông được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn nghệ, phụ trách ngành mỹ thuật. Ông còn là giảng viên Trường Mỹ thuật Kháng chiến. Họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh, ông đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam suốt 15 năm sau. Là đại biểu Quốc hội khóa II, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và của các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc trong nhiều năm, được bầu là Viện sĩ của Viện Hàn lâm CHDC Ðức trước đây, nhưng ông vẫn bình lặng là một họa sĩ, vẽ không ngừng. Vừa tận tụy lo toan công việc chung, vừa đến những nơi khó khăn ác liệt, ngay cả  trong chiến tranh để ký họa, sống và yêu bằng trái tim. Trần Văn Cẩn mãi mãi là niềm tự hào của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.