Đánh giá tiêu chí thân thiện với môi trường

Theo Tổ chức Net Zero Tracker, gần một nửa trong số các doanh nghiệp lớn nhất thế giới cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải các-bon vào năm 2050, song chỉ một số ít trong nhóm này thực sự có kế hoạch hành động đáng tin cậy. Các cơ quan quản lý trên thế giới bắt đầu siết chặt quy định liên quan việc đánh giá tiêu chí thân thiện với môi trường trong hoạt động doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá tiêu chí thân thiện với môi trường

Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức tại Ai Cập, nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc cảnh báo rằng, cam kết của rất nhiều doanh nghiệp về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 hiện nay thường chỉ mang tính chất "tẩy xanh", nghĩa là khoác lên các sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách lớp vỏ bọc thân thiện với môi trường để đánh bóng thương hiệu và lừa dối người tiêu dùng.

Hành vi "tẩy xanh" ngày càng trở nên tinh vi hơn buộc giới quản lý các nước cần có hành động kiểm soát kịp thời.

Báo cáo do Tổ chức Net Zero Tracker công bố mới đây cho thấy, khoảng 90% chủ thể của nền kinh tế toàn cầu đã đưa ra lời cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tăng từ mức 15% của bốn năm trước. Trong đó, có tới 929 doanh nghiệp thuộc danh sách các công ty lớn nhất thế giới cam kết đến năm 2050 đạt mục tiêu này, hơn gấp đôi so với con số được báo cáo hồi tháng 12/2020.

Tuy nhiên, các tác giả báo cáo chỉ ra rằng, mục tiêu kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ ngày càng trở nên xa vời nếu các doanh nghiệp không có hành động thực chất, cụ thể.

Theo các tác giả, đa số các tổ chức chưa đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của tiêu chí phát thải ròng bằng 0. Thí dụ, trong lĩnh vực dầu mỏ, có tới 75 trong tổng số 112 công ty ở nhóm các doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất thế giới cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 30% số các doanh nghiệp này đề cập tới các biện pháp cụ thể nhằm giảm phát thải.

Ủy ban châu Âu (EC) từng tiến hành đánh giá 150 các sản phẩm gắn nhãn "xanh" trong năm 2020 và kết luận khoảng 53% số công ty phân phối sản phẩm cung cấp thông tin "mơ hồ, sai lệch hoặc vô căn cứ".

Ủy ban châu Âu (EC) từng tiến hành đánh giá 150 các sản phẩm gắn nhãn "xanh" trong năm 2020 và kết luận khoảng 53% số công ty phân phối sản phẩm cung cấp thông tin "mơ hồ, sai lệch hoặc vô căn cứ". Vì vậy, EC đã đề xuất các quy định nhằm thắt chặt kiểm soát đối với các sản phẩm gắn mác thân thiện với môi trường, trong đó yêu cầu các công ty phân phối sản phẩm tại châu Âu phải có bằng chứng chứng minh việc gắn mác là phù hợp.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đây đã công bố bộ quy tắc nhằm giúp các nhà quản lý phát hiện và ngăn chặn các hành vi "tẩy xanh". Những quy tắc mới này do Hội đồng Tiêu chuẩn bền vững quốc tế (ISSB) soạn thảo trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào các dự án gắn nhãn bảo vệ môi trường.

Theo các quy định của ISSB, các doanh nghiệp cần công bố dữ liệu phát thải với sự giám sát bởi các cơ quan kiểm toán bên ngoài. Nhiều quốc gia khác cũng ủng hộ hoặc đang thảo luận với ISSB về bộ quy tắc này. Một khi các tiêu chuẩn bắt buộc được áp dụng, tất cả các công ty trên toàn thế giới sẽ có nghĩa vụ công bố thông tin minh bạch về lượng khí phát thải và kế hoạch giảm phát thải nếu không muốn đối mặt các hình phạt.

Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên buộc các doanh nghiệp phải công bố các báo cáo tài chính liên quan khí hậu. Những năm gần đây, giới chức quản lý Anh tăng cường đánh giá các sản phẩm tiêu dùng được các nhà sản xuất gắn mác "xanh". Tại Anh, việc sử dụng nhãn dán hay các thông tin khẳng định sản phẩm thân thiện với môi trường mà không có bằng chứng cụ thể bị coi là hành vi vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng.

Việc công bố thông tin giả dối trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 càng làm tăng phí tổn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo cựu Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna, trưởng nhóm chuyên gia được Tổng Thư ký Liên hợp quốc trao nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện các cam kết khí hậu tại COP27, nhiều cam kết vì môi trường của các doanh nghiệp hiện nay chỉ là "khẩu hiệu". Việc công bố thông tin giả dối trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 càng làm tăng phí tổn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.