Đảng viên biên phòng ở vùng thượng du Thanh Hóa

Lên huyện Quan Sơn, tôi gặp sĩ quan biên phòng Đặng Văn Hòa, nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, thành viên tổ bám bản vùng sâu, xa, mới được rút về đồn.

Bộ đội Biên phòng Na Mèo giúp người dân di chuyển khỏi khu vực sạt lở đất.
Bộ đội Biên phòng Na Mèo giúp người dân di chuyển khỏi khu vực sạt lở đất.

26 năm công tác trên tuyến biên giới Na Mèo, anh Hòa có 20 năm bám bản, rồi cùng tổ liên ngành phụ trách ba bản đồng bào H’Mông sinh sống là Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy và Ché Lầu, xã Na Mèo.

Anh và đồng nghiệp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tìm hiểu phong tục, tập quán, học tiếng dân tộc H’Mông; dù đường về ba bản phải vượt sông Luồng, suối Son, gập ghềnh, cheo leo, dốc tức.

Mấy năm gần đây, tổ công tác được sử dụng hai phòng ở điểm trường Ché Lầu làm nơi sinh hoạt, lưu trú, bám bản thực hiện nhiệm vụ. Sâu sát địa bàn, tham mưu củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, linh hoạt tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về biên giới, lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự; tổ công tác phân công đảng viên phụ trách hộ, tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp cải thiện cuộc sống.

Hiểu rõ gia cảnh, nguyên nhân đói nghèo, các đảng viên vận động người dân giảm sa đà rượu chè, ăn uống linh đình, bỏ tục "bón cơm" cho người chết, khâm liệm, đưa người chết vào quan tài, rút ngắn thời gian tổ chức tang lễ, an táng đúng nơi quy hoạch; cùng chỉnh trang nơi ở, khu dân cư, hướng dẫn hộ dân tổ chức trồng trọt, chăn nuôi. Đặng Văn Hòa tư vấn cho gia đình Thao Văn Kỷ thâm canh 600 m2 lúa nước, trồng ngô, lúa chịu hạn trên 1,5 ha nương rẫy, du nhập, nuôi, bán cá trê lai, kinh doanh hàng tạp hóa.

Các thành viên tổ công tác vận động đồng bào H’Mông không theo tà đạo, hành lễ trái phép; tham mưu cho chi hội phụ nữ vận động giới nữ không tảo hôn, chỉ nên sinh hai người con để nuôi dạy cho tốt. Tập quán lấy chồng sớm, sinh nhiều con dần giảm, các cặp vợ chồng đều đăng ký kết hôn; mâu thuẫn nảy sinh được phát hiện, giải tỏa kịp thời, ngăn chặn hành vi tự tử ở phụ nữ H’Mông do ức chế. Thiếu tá Đặng Văn Hòa cùng các đảng viên biên phòng đã phát hiện, bồi dưỡng, đề xuất kết nạp những quần chúng người dân tộc thiểu số trưởng thành từ hoạt động thực tiễn, các phong trào thi đua vào Đảng. Các chi bộ Xía Nọi, Mùa Xuân, Ché Lầu đã có từ 6 đến hơn 20 đảng viên và các đảng viên luôn tiên phong trong lao động, sản xuất, nêu gương trong sinh hoạt hằng ngày, góp sức xây dựng thôn bản văn hóa, nông thôn mới.

Những năm 1990 của thế kỷ trước, các quân nhân biên phòng đã được tăng cường về 15 xã biên giới và trong 20 năm của thế kỷ này các sĩ quan, quân nhân biên phòng tiếp tục được tăng cường, giữ chức Phó Bí thư đảng ủy 16 xã, thị trấn biên giới ở vùng thượng du Thanh Hóa.

Các sĩ quan, quân nhân biên phòng cùng cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp đã phát hiện, bồi dưỡng, tham mưu, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, phát triển chi bộ thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Tháng 3/2014, chi bộ Nàng 2 ở xã Mường Lý được thành lập và huyện vùng cao biên giới Mường Lát đã bao phủ tổ chức cơ sở đảng ở 26 bản đặc biệt khó khăn; tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng các chi bộ đảng. Với quân nhân biên phòng Trần Đình Cần, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Lát anh càng nỗ lực làm tốt công tác tham mưu xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Điều tra thổ nhưỡng, bố trí cây trồng phù hợp, vận động, hướng dẫn nông dân che ni-lông chống rét cho mạ, cấy hết 112 ha lúa nước đi đôi với sử dụng phân viên nén dúi sâu trong chăm bón nên năng suất lúa đạt hơn 50 tạ/ha. Mô hình chăn nuôi trâu, bò, thả cá theo hướng gia trại dần nhân rộng, định hình 12 gia trại chăn nuôi hơn 2.000 con trâu, bò, mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 200 con gia súc, 3 tấn cá thương phẩm. Từ lợi dụng vốn rừng, nhân dân giờ chú trọng trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, nâng độ che phủ lên hơn 70%. Anh Cần tư vấn cho hơn 40 thanh niên tiếp cận chính sách ưu đãi, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, hơn 500 lao động được tuyển dụng làm việc tại công ty trong cả nước, quản lý, giám sát hơn 200 lao động mới hồi hương; tuyên truyền đồng bào bảo lưu, phát huy di sản văn hóa tốt đẹp, chủ động phòng, chống tệ nạn ma túy.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể khảo sát tình hình địa bàn, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa tiếp tục phân công hàng trăm đảng viên phụ trách hàng nghìn hộ vùng miền núi, dân tộc. Các đảng viên đến từng hộ nắm gia cảnh, mối quan hệ chính trị - xã hội, tâm tư, nguyện vọng; xác định công việc, phương pháp tuyên truyền, vận động thành viên các gia đình thực hiện đường lối của Đảng, các chính sách dân tộc, tôn giáo, chấp hành pháp luật; đấu tranh với hành vi chia rẽ khối đại đoàn kết, nâng cao chất lượng hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; chủ động cập nhật kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, hướng dẫn phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới, giữ gìn thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc. Tham gia kiến thiết nông thôn, trợ giúp các gia đình an cư, lạc nghiệp, xây dựng các mô hình thâm canh cây lúa nước hai vụ, trồng ngô lai vụ xuân, cây táo mèo dưới tán rừng phòng hộ cho nhân dân học tập, làm theo; các đảng viên cùng các đồn biên phòng tổ chức các lớp học tập xóa mù chữ, chống tái mù chữ; hỗ trợ, động viên học sinh đi học chuyên cần, chăm sóc những người con nuôi, trợ giúp gần 100 học sinh nghèo theo chương trình "nâng bước em tới trường"…

Những việc làm thiết thực của Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã và đang góp phần củng cố thế trận lòng dân, nhân rộng tuyến biên phòng toàn dân vững chắc.