Xuân về trên vùng đệm U Minh Thượng

Vào những năm 1990, tỉnh Kiên Giang thực hiện chủ trương đưa dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc các huyện Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh vào nhận đất tại vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng để phát triển kinh tế nông hộ. Từ một rốn nghèo năm nào, trải qua ngót 30 năm khai hoang, mở đất, diện mạo nông thôn nơi đây đã khởi sắc, đời sống của người dân đổi thay rõ nét.

Mô hình trồng lúa-tôm kết hợp ở vùng đệm U Minh Thượng, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).
Mô hình trồng lúa-tôm kết hợp ở vùng đệm U Minh Thượng, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang).

Những ngày cuối của năm 2021, chúng tôi trở lại vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng. Hai bên con đường láng nhựa vòng quanh Vườn quốc gia, người dân tất bật thu hoạch lúa, tôm. Dưới kênh từng xuồng chuối nối đuôi nhau đến điểm tập kết. Cứ vài trăm mét lại thấy cảnh xây dựng nhà, rất nhiều ngôi nhà tường khang trang, kiên cố đã mọc lên...

Đất nghèo nở hoa

Ông Nguyễn Văn Phương (70 tuổi), ngụ ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng sinh ra và lớn lên tại vùng đất này. Cũng như nhiều hộ dân khác, năm 1992, vợ chồng ông Phương được chính quyền giao 4 ha đất tại vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng để canh tác. “Nơi đây, ngày trước toàn lau sậy, dây troại, khai hoang tốn rất nhiều công sức. Cũng nhờ Nhà nước nạo vét các con kênh mà đất đai dần rửa sạch phèn mặn, canh tác bắt đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ không trụ được đã bỏ cuộc, về các địa phương khác sinh sống”, ông Phương nhớ lại. Còn ông Lý Văn Tình (64 tuổi), ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng kể: “Thời đó, muỗi dữ lắm! Để có thể bám trụ, nhiều hộ dân bắt cá đồng bơi xuồng đi bán, nhưng cá nhiều quá, bán cũng ít người mua. Thời đó, giao thông cách trở, từ đây ra chợ huyện An Minh hay chợ huyện Vĩnh Thuận đi gần nửa ngày. Trải qua ngót 30 năm, tôi khẳng định những người bám trụ lại vùng đệm này là những người có ý chí rất mạnh mẽ”. 

Đại tá Bành Văn Đởm, nguyên Giám thị Trại giam Kênh 7, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án vùng đệm U Minh Thượng cho biết: Những năm 1990-1992, người dân bắt đầu về vùng đệm ở theo chủ trương của Nhà nước là giao khoán mỗi hộ 4 ha đất để khai hoang phát triển kinh tế. Vùng này trước đây toàn cây năng, cây sậy. Để người dân canh tác được, Nhà nước thực hiện các dự án nạo vét khoảng 20-25 con kênh ngang, dọc vùng đệm để xổ phèn. Quá trình như vậy kéo dài 5-7 năm. Từ đó, người dân mới trồng mía, chuối, lúa, tôm, cá và về sau trồng thêm được các loại hoa màu. 

Hiện nay vùng đệm U Minh Thượng có gần 2.400ha trồng chuối, 440 ha trồng cây ăn trái, 450 ha trồng khóm, 2.270 ha trồng rau màu. Riêng cây gừng (củ gừng) và diện tích nuôi cá nước ngọt trên 3.000 ha. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng Nguyễn Việt Trung cho biết, qua nhiều năm đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho thủy lợi nên người dân ở đây đã đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường: “Vùng đệm U Minh Thượng tập trung phát triển mô hình đa canh tổng hợp như rau màu, cây ăn trái kết hợp nuôi cá, mô hình lúa-cá. Đặc biệt, gần 2.400 ha đất trồng chuối xiêm tập trung ở xã An Minh Bắc và Minh Thuận đem lại thu nhập chủ yếu cho hàng nghìn hộ dân ở vùng đệm”. Nông dân Nguyễn Văn Phương phân tích: “Chuối trồng xuống, mỗi năm chỉ chăm sóc một lần, trồng một năm là cho thu hoạch, trung bình  một tháng lại cho thu hoạch một đợt. 4 ha chuối xiêm của tôi, mỗi lần thu hoạch được từ 20 đến 30 triệu đồng. Những năm chuối xiêm giá cao, tôi thu từ 300-400 triệu đồng/năm”.

Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Nguyễn Quốc Khởi khẳng định: “Từ những năm 2000 trở lại đây, đời sống người dân ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng đã nâng lên rõ rệt, không ít hộ dân từ nghèo khó đã vươn lên khá và làm giàu trên mảnh đất này. Điều đó càng khẳng định, nếu nông dân kiên trì bám trụ lao động sản xuất thì đất khó mấy cũng có ngày sẽ nở hoa”.

Nông dân năng động, nông thôn khởi sắc

Từ năm 2013, ông Lý Văn Tình (64 tuổi), ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc tham gia hợp tác xã “Cây ăn trái Kinh 21”. Ông Tình được tiếp cận giống xoài Đài Loan, vừa cho năng suất cao, vừa không tốn chi phí thuốc trừ sâu, khi thu hoạch có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ông Tình đã đầu tư hơn một trăm triệu đồng tu sửa bờ bao, cải tạo 2 ha đất để trồng giống xoài mới. Giữa năm 2019, xoài Đài Loan cho trái vụ đầu với giá bao tiêu từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg. 2ha xoài sau khi trừ chi phí, ông Tình thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Ông cho biết đang nghiên cứu phương pháp cho xoài ra hoa trái vụ để có giá tốt hơn.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Sang, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Minh Kiên A, xã Minh Thuận. Dù có hẹn trước, nhưng phải đợi khá lâu mới trò chuyện được với ông. Thời điểm này, ông Sang bận ký hợp đồng với nông dân ở các xã Minh Thuận, An Minh Bắc để cung cấp rau ngò cho Tập đoàn Masan (nhà máy tại tỉnh Tiền Giang) làm nguyên liệu sản xuất bột nêm của mì gói. Khi tiếp chuyện với chúng tôi, ông Sang liên tiếp nhận các cuộc gọi từ xã viên trong Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kinh 10, đề nghị cung cấp giống khoai ngọt, ngò gai... để xã viên chuẩn bị vụ mới. Được biết, hợp tác xã này thành lập cuối năm 2018. Nhờ hợp tác, liên kết có hiệu quả, nên 29/29 xã viên đều có mức sống khá, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Tiến (56 tuổi, ngụ tổ 4, ấp Minh Kiên A), trồng 6 ha gừng, thu nhập hơn 400 triệu đồng; hộ ông Trung Toàn (34 tuổi, ngụ tổ 5, ấp Minh Kiên A) trồng 4 ha khoai ngọt kết hợp trồng dưa leo, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Theo UBND xã Minh Thuận, hiện xã có hơn 15.000 ha, trong đó diện tích đất nằm trong vùng đệm hơn 6.600 ha. Những năm qua việc sản xuất của nông dân thuận lợi, hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo của xã, nhất là hộ nghèo nằm trong vùng đệm giảm dần theo từng năm. Nếu như năm 2007 (khi huyện U Minh Thượng mới thành lập), xã Minh Thuận có hơn 17,4% hộ nghèo, thì đến nay chỉ còn 4,3%. Cuối năm 2021, thu nhập đầu người trên địa bàn xã đạt trên 50 triệu đồng/năm, tăng gần 6 triệu đồng so năm 2015.

Kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn cũng khởi sắc. Hiện, phần lớn các tuyến đường chính quanh vùng đệm U Minh Thượng đều được láng nhựa và bê-tông. Từ trung tâm huyện U Minh Thượng, chúng tôi đi một vòng quanh rừng với quãng đường khoảng 60 km qua xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Tuyến đường này xe ô-tô và xe tải lớn có thể đi lại thuận tiện cả hai mùa mưa, nắng. Nhiều tuyến lộ liên ấp, liên xóm vào sâu trong vùng đệm, đến trước nhà các hộ dân cũng được rải bê-tông. Ông Võ Văn  Sấm (54 tuổi), ngụ ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc phấn khởi: “Điện-đường-trường-trạm trên địa bàn giờ đã có đầy đủ. Trước kia người ta thường nói “nhà tôi tận trong rừng”, nhưng giờ có việc gì cứ lên xe gắn máy vụt cái là tới nơi. Cái cảnh chở người bệnh bằng xuồng ra tận chợ huyện tìm bác sĩ mất hàng chục giờ đã không còn. Giờ chỉ việc ngồi lên xe gắn máy là đến nơi, bệnh nặng thì gọi ta-xi, xe đến tận cửa”...

Kết cấu hạ tầng trong vùng đệm U Minh Thượng ngày một hoàn thiện hơn, đã phát huy được tiềm năng, lợi thế để vùng đất này vươn mình bứt phá. Dự án Phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng mang lại sự phát triển về kinh tế, xã hội và là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kiên Giang đối với một vùng đất anh hùng giàu truyền thống cách mạng, tri ân những con người bất khuất, trung kiên đã bám trụ, hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng đến ngày toàn thắng.