Đăng ký xét tuyển hợp lý để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh trên cả nước thực hiện việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (không giới hạn số lần) trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Ðể đăng ký xét tuyển đại học đạt kết quả tốt nhất, thí sinh cần lưu ý một số vấn đề, tránh những nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Quản trị và Kinh doanh (Ðại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn xét tuyển năm 2024 cho thí sinh. (Ảnh THÚY QUỲNH)
Trường Quản trị và Kinh doanh (Ðại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn xét tuyển năm 2024 cho thí sinh. (Ảnh THÚY QUỲNH)

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong tuyển sinh năm 2024, để tạo thuận lợi cho các trường cũng như thí sinh, Bộ đã kết nối cơ sở dữ liệu ngành với các phần mềm chỉ tiêu, nhập học; xác định chỉ tiêu tuyển sinh; hỗ trợ các cơ sở đào tạo tải kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thi năng khiếu lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Việc đơn giản hóa các thủ tục để thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành được quan tâm, chú trọng.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tuyển sinh trong Ðề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh của các trường được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của trường. Trên cơ sở các thông tin tìm hiểu, thí sinh chuẩn bị và đáp ứng các điều kiện về tuyển sinh của cơ sở đào tạo vào các ngành mà thí sinh dự kiến sẽ đăng ký. Ngoài ra, thí sinh cũng cần nghiên cứu kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo và thực hiện theo đúng thời gian quy định.

Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, xem, sửa…) trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống). Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành, chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các cơ sở đào tạo đăng ký theo ngành, chương trình và được xếp thứ tự từ một đến hết (nguyện vọng một là nguyện vọng cao nhất), đồng thời thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo) tương ứng với ngành, chương trình mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển để các cơ sở đào tạo sử dụng xét tuyển. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển.

Thời gian đăng ký, điều chỉnh là rất quan trọng để các thí sinh xác định nguyện vọng nào mong muốn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến hết. Ðáng chú ý, đối với các phương thức xét tuyển sớm là các thí sinh trúng tuyển có đủ điều kiện từ trước khi các em tốt nghiệp THPT, khi thí sinh có điểm tốt nghiệp THPT vẫn cần phải đăng ký nguyện vọng của mình chính thức trên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Ðào tạo mới được ghi nhận kết quả. Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm mà không đăng ký trên Hệ thống chung thì các nguyện vọng không được ghi nhận, không có giá trị. Vì vậy, khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng thí sinh cần thực hiện đầy đủ các bước, thao tác toàn bộ và kết thúc quy trình hệ thống ghi nhận kết quả đăng ký.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo)

Ngoài những lưu ý về quy trình, các bước đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, việc có được kỹ năng lựa chọn, xếp thứ tự nguyện vọng cũng có ý nghĩa quyết định đến cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường theo mong muốn của thí sinh. Thạc sĩ Ðỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường đại học Mở Hà Nội chia sẻ, dù đã có hướng dẫn rất chi tiết của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, nhưng năm nào cũng có những thí sinh bị “trượt” đại học bởi những lý do rất đáng tiếc.

Vì vậy, để đăng ký được nguyện vọng xét tuyển đại học bảo đảm đúng và có khả năng trúng tuyển cao nhất, các em cần chú ý cách sắp xếp nguyện vọng. Trong đó, thí sinh nên liệt kê danh mục các trường đại học có tuyển sinh ngành học mà mình mong muốn và kèm theo điểm chuẩn ngành, trường đó trong hai đến ba năm gần nhất.

Trên cơ sở thông tin điểm chuẩn các năm, thí sinh lựa chọn ngành theo: Nhóm điểm chuẩn trung bình các năm gần đây nhiều hơn điểm thi tốt nghiệp THPT của mình từ 1 đến 3 điểm; điểm chuẩn trung bình các năm gần đây và điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương nhau; điểm chuẩn trung bình các năm gần đây ít hơn điểm thi tốt nghiệp THPT từ 1 đến 3 điểm. Mỗi nhóm đã chia ở trên, thí sinh nên đăng ký ít nhất một nguyện vọng vào mỗi nhóm, sau đó, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp của bản thân.

PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch hội đồng Trường đại học Giao thông vận tải khuyên thí sinh dù được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn nhưng chỉ nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng, tập trung hướng đến ngành, trường theo mong muốn, sở thích, năng lực để đăng ký xét tuyển chứ không nên tràn lan.

Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, thí sinh được phép đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng nếu đăng ký tràn lan sẽ là một “chiến lược” không khôn ngoan, nhất là có em đăng ký cả trăm nguyện vọng thì không nên vì chắc chắn các em không cần sử dụng hết quyền lựa chọn nguyện vọng nhiều đến như vậy. Quan trọng nhất là thí sinh nên tự đánh giá năng lực của mình, cân nhắc trường, ngành mình mong muốn để đăng ký xét tuyển mới tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh thực hiện nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến; chậm nhất 17 giờ ngày 19/8, các cơ sở giáo dục đại học phải thông báo thí sinh trúng tuyển đợt một. Quá trình tuyển sinh năm 2024 duy trì ổn định với phương châm: Ðúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi, nguyện vọng của thí sinh cũng như tạo thuận lợi để các trường tuyển sinh được sinh viên theo học có năng lực phù hợp yêu cầu ngành, nghề đào tạo.

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có sự phân hóa, ổn định

Ngày 17/7, Bộ Giáo dục và Ðào tạo công bố điểm, phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Nhìn chung, phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn giữ được sự ổn định và tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước. Ðiểm trung bình của các môn thi của cả nước giữ ổn định và tương đồng so với năm 2023. Theo đó, phổ điểm trung bình môn Toán là 6,45, Ngữ văn 7,23, Vật lý 6,67, Hóa học 6,68, Sinh học 6,28, Lịch sử 6,57, Ðịa lý 7,19, Giáo dục công dân 8,16, Ngoại ngữ 5,51.

Theo đánh giá, điểm các môn đều có sự phân hóa phù hợp, bảo đảm cho công tác tuyển sinh ổn định như năm trước. Các tổ hợp truyền thống trong công tác xét tuyển sinh cũng tương đối ổn định so với các năm trước. Cụ thể, mức điểm cao nhất khối A và khối A1 là 29,6; khối B 29,55; khối C 29,75; khối D 28,75. Kết quả điểm thi tiếp tục khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã đạt các mục tiêu và yêu cầu đề ra.