Ðảng bộ Công ty Cổ phần ô-tô TMT phát huy vai trò lãnh đạo

ND - Sau hơn một năm tiến hành cổ phần hóa, Công ty cổ phần ô-tô TMT (thuộc Tổng Công ty công nghiệp ô-tô Việt Nam) đã gặt hái được khá nhiều thành công trong sản xuất,  kinh doanh. Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Công ty có được sự phát triển như ngày hôm nay là nhờ Ðảng bộ ở đây đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo Công ty vượt qua khó khăn bằng định hướng và những chủ trương, biện pháp năng động, kịp thời, thích ứng với thị trường.

Ðịnh hướng đúng

Khi phân tích, lý giải để giúp chúng tôi hiểu rõ căn nguyên tại sao Công ty lại chọn phân khúc thị trường ô-tô vận tải giá rẻ, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần ô-tô TMT Bùi Văn Hữu cho biết:  Khi quyết định tham gia lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô-tô, Ðảng ủy đã phải họp khá nhiều để bàn bạc, làm rõ một vấn đề có  tính quyết định tới sự phát triển về lâu dài của đơn vị là: chọn loại hình nào? Ô-tô vận tải hành khách và vận tải hàng hóa? Sau khi phân tích kỹ tình hình mọi mặt, Ðảng ủy quyết định chọn ô-tô vận tải loại phù hợp thị trường nông thôn.

Lý do của sự lựa chọn đó là: ô-tô du lịch phải đầu tư lớn, giá cả chỉ phù hợp với đối tượng có thu nhập cao, mà đối tượng này hiện chưa nhiều lại phải cạnh tranh với các doanh nghiệp có tiếng của trong nước và nước ngoài. Ô-tô vận tải "hạng sang" thì giá quá cao so với mặt bằng thu nhập bình quân của phần lớn người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn đang rất cần những loại xe vận tải vừa và nhỏ, giá rẻ, thay thế cho xe công nông hay gây tai nạn giao thông. Nhu cầu về loại phương tiện vận tải phù hợp điều kiện đường sá cũng như túi tiền của người dân nông thôn sẽ ngày càng tăng.

Kết quả sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng của Công ty đã chứng minh định hướng ban đầu đó của Ðảng ủy Công ty là hoàn toàn đúng đắn. Công ty đã được Chính phủ chọn làm thí điểm việc hỗ trợ về tài chính cho nông dân mua ô-tô tải hạng nhẹ của Công ty thay thế cho xe công nông.

Chủ trương kịp thời, giải pháp cụ thể

Sở dĩ định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh của Ðảng ủy Công ty sớm phát huy hiệu quả, là nhờ trong từng giai đoạn cụ thể, Ðảng ủy kịp thời có những chủ trương, định hướng phù hợp tình hình và năng lực sản xuất kinh doanh của công ty.

Trước khi bắt tay vào xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô-tô, điều khiến mọi người trăn trở nhất là lấy nhãn hiệu gì để có thể nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khách hàng. Có người đề xuất nên lấy nhãn hiệu nghe na ná tên nước ngoài cho có vẻ hiện đại hoặc giông giống một nhãn hiệu của một hãng có uy tín nào đó để "ăn theo" thương hiệu cho dễ bề bán hàng. Bàn tính kỹ, Ðảng ủy chủ trương: thương hiệu phải là của  mình, chất lượng cao, giá cả phù hợp quyết định sự thành công.

Cái tên Cửu Long được dùng đặt tên cho xe của công ty sản xuất. Ðể "Cửu Long" ngay khi ra đời gây được ấn tượng cho khách hàng, Ðảng ủy, Hội đồng Quản trị chỉ đạo Ban Giám đốc thực hiện ngay một số biện pháp để bảo đảm uy tín, chất lượng của thương hiệu. Do đó,  ngày công ty khởi công xây dựng Nhà máy ô-tô Cửu Long cũng là ngày công ty nộp đơn xin đăng ký độc quyền kiểu dáng xe, nhãn hiệu Cửu Long; cũng là ngày công ty cử 60 cán bộ, công  nhân kỹ thuật ra nước ngoài để học tập, tiếp thu công nghệ sản xuất. Và đó cũng là ngày công ty ban hành một số chính sách ưu đãi để thu hút những cán bộ quản lý, kỹ thuật giỏi, công nhân tay nghề cao về công ty làm việc.

Nhờ có những chủ trương, biện pháp cụ thể, kịp thời như thế nên đến nay công ty đã có được một đội ngũ cán bộ, công nhân hơn một nghìn người đã làm chủ dây chuyền công nghệ. Từ chỗ chỉ nhập khẩu nguyên chiếc vài chục chiếc ô-tô về bán, đến nay, công ty đã có một nhà máy lắp ráp, sản xuất 40 loại ô-tô khác nhau. Sản phẩm của công ty đã chiếm được sự tin cậy của khách hàng. Ô-tô nhãn hiệu Cửu Long đã có mặt ở khắp nơi trên đất nước với 58 đại lý/64 tỉnh, thành phố.

Ðôi điều kinh nghiệm

Ở một số đơn vị sau  khi cổ phần hóa, tổ chức đảng thường lúng túng trong hoạt động, giảm sút vai trò, nhưng ở Công ty cổ phần ô-tô TMT thì ngược lại. Tổ chức đảng không những giữ vững vai trò lãnh đạo mà còn nâng cao vị thế. Có được điều đó, trước hết là nhờ Ðảng ủy, đứng đầu là Bí thư kiêm Chủ tịch HÐQT luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Ðảng. Những việc quan trọng trong Công ty đều được đưa ra họp bàn trong Ðảng ủy, xây dựng thành chủ trương, nghị quyết sau đó mới đưa ra HÐQT, Ban Giám đốc thông qua và thực hiện. Sau khi ban hành chủ trương, nghị quyết thì Ðảng ủy cụ thể hóa thành các chỉ tiêu cụ thể và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng các biện pháp phù hợp, kịp thời để thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày một phát đạt, thu nhập của người lao động ngày một cao hơn, các chế độ phúc lợi xã hội được bảo đảm thì không có lý do gì mà người ta không tin tưởng vào sự lãnh đạo của tổ chức Ðảng. Vì lẽ đó, công nhân, viên chức ở Công ty rất có ý thức phấn đấu, rèn luyện để trở thành đảng viên. Trong mấy  năm trở lại đây, năm nào Ðảng bộ Công ty cũng kết nạp thêm từ 20 đến 25 đảng viên. Nhiều năm liền, Ðảng bộ được Quận ủy Ðống Ða (Hà Nội) công nhận là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Với Ðảng bộ Công ty cổ phần ô-tô TMT, một vấn đề đặt ra khá bức xúc và có ý nghĩa nhiều mặt đó là vấn đề nội địa hóa sản phẩm. Hiện tại sản phẩm của Công ty đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30%, nhưng chủ yếu ở những phụ kiện,  thiết bị giá trị thấp nên giá thành sản phẩm chưa thật sự phù hợp với số đông nông dân.

Thời gian tới, Ðảng ủy Công ty cần coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để tập trung lãnh đạo thực hiện. Nếu làm tốt thì không những giúp Công ty chiếm lĩnh được thị trường mà còn góp phần vào công cuộc CNH nông nghiệp, nông thôn, xứng đáng là "xe của nhà nông" như Công ty vẫn quảng bá thương hiệu.