Dân vận khéo, việc gì cũng thành công

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên cả nước đã tích cực đổi mới công tác dân vận, phát huy sức mạnh của nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Nhiều cách làm mới, mô hình sáng tạo đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình trao giấy khai sinh cho công dân.
Lãnh đạo phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình trao giấy khai sinh cho công dân.

Dân vận đi trước mở đường

Thái Bình là tỉnh thuần nông ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nhiều năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức trung bình. Để phá thế “độc canh” cây lúa, Tỉnh ủy Thái Bình quyết tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh, chọn công nghiệp làm động lực phát triển. Nhiệm kỳ vừa qua, Thái Bình liên tục triển khai nhiều dự án, công trình giao thông kết nối nội vùng, liên vùng cũng như hình thành nhiều khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai, không ít khó khăn, thách thức đặt ra. Một trong những “nút thắt” khó gỡ nhất chính là công tác giải phóng mặt bằng, do liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận đối với lĩnh vực này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều chỉ thị, đề án về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, xác định phải đổi mới công tác dân vận theo hướng chủ động tham gia ngay từ khâu đầu và trong suốt quá trình triển khai các dự án.

Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội các cấp của tỉnh tham gia tiếp cận, nắm bắt ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án và kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tích cực phối hợp các cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân; công khai minh bạch các bước, các khâu trong quá trình giải phóng mặt bằng, thông tin dự án, kế hoạch, tiến độ thực hiện, các phương án trong công tác giải phóng mặt bằng; đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết nhanh, dứt điểm khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhân dân trong vùng triển khai dự án.

Do có những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp nên công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 289 dự án giải phóng mặt bằng được triển khai, trong đó đa số dự án được bàn giao mặt bằng đúng hạn và không phải sử dụng đến các biện pháp cưỡng chế.

Hiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong và ngoài tỉnh được triển khai đồng bộ. Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển và các dự án trọng điểm được triển khai xây dựng mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Thái Bình trở thành một điểm đến đầu tư mới hấp dẫn. Năm 2023, tỉnh thu hút được hơn 2,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất từ trước đến nay.

Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Dương Văn Tiến cho biết, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo công tác dân vận. Năm 2023, Thái Nguyên đẩy mạnh triển khai dự án tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc. Đây được xem là tuyến đường động lực của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, việc mở đường ảnh hưởng không ít đến đời sống của nhân dân trong khu vực phải giải tỏa. Tại thành phố Phổ Yên, tuyến đường liên vùng này đi qua có chiều dài tuyến chính là hơn 27 km và tuyến nhánh là hơn 6 km. Tổng diện tích thu hồi khoảng 167 ha và có 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Để triển khai, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại.

Trong đợt cao điểm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường liên kết vùng do Thành ủy Phổ Yên phát động vào tháng 6/2023, tập thể lãnh đạo thành phố cùng cán bộ phòng, ban liên quan liên tục có mặt tại các điểm có tuyến đường đi qua kiểm tra, đôn đốc, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết kịp thời vướng mắc. Đội ngũ cán bộ cơ sở với phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”, không quản nắng, mưa tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố trong công tác dân vận được nhân dân ghi nhận, từ đó tạo đồng thuận cao.

Anh Nguyễn Văn Thành, xóm Thuận Đức, xã Minh Đức chia sẻ: “Qua gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền và người dân, tôi đã hiểu những lợi ích to lớn cho gia đình và địa phương khi tuyến đường đi qua nên đã bàn giao mặt bằng sớm”.

Gỡ nhanh những “nút thắt” trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm đã góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề ra. Sau nửa nhiệm kỳ đại hội, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đã đạt những kết quả tích cực, tiêu biểu như: Tốc độ tăng trưởng hằng năm đều cao hơn mức bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng... Toàn tỉnh có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 85,7%; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao hiệu quả phục vụ, xây dựng chính quyền vì dân

Không chỉ đổi mới phương thức hoạt động, các cấp ủy, chính quyền còn tăng cường công tác dân vận bằng xây dựng các mô hình dân vận khéo gắn với quyền, lợi ích của người dân. Điển hình là phong trào “Chính quyền thân thiện” đang lan tỏa rộng rãi thời gian vừa qua.

Tháng 6/2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam triển khai xây dựng điểm mô hình thí điểm “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” cấp xã tại 14 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Mục đích chính của mô hình là nhằm thay đổi tinh thần, thái độ cũng như áp dụng các phương pháp để hướng tới phục vụ người dân tốt nhất. Chỉ sau thời gian ngắn, mô hình đã được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Hiện tại, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Hà Nam đều triển khai nhân rộng mô hình. Điều này góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân.

Sau thành công của Hà Nam, nhiều địa phương đã học tập và triển khai gắn với tình hình, điều kiện công tác. Năm 2021, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang và Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” hướng tới ba tiêu chí: cán bộ thân thiện; hoạt động của chính quyền thân thiện; môi trường làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện với nhân dân.

Xã miền núi Hợp Đức, huyện Tân Yên được Tỉnh ủy Bắc Giang chọn thực hiện thí điểm mô hình xây dựng “Chính quyền thân thiện”. Để thay đổi thói quen, lối làm việc “mệnh lệnh hành chính” của đội ngũ cán bộ, công chức, huyện Tân Yên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, thường xuyên kiểm tra, uốn nắn phong cách ứng xử của cán bộ cơ sở khi tiếp công dân. Sau hơn hai năm triển khai, cán bộ, công chức xã Hợp Đức liên tục nhận được nhiều lời khen của nhân dân.

Từ hiệu quả thực tế, năm 2023 tỉnh Bắc Giang ban hành kế hoạch triển khai, xây dựng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025; đặt mục tiêu năm 2023 có 30% đơn vị cấp xã đạt chuẩn “Chính quyền thân thiện”, năm 2024 có 60% đơn vị cấp xã đạt chuẩn và năm 2025 có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Ngoài yêu cầu đạt chuẩn về ba nhóm tiêu chí đã đặt ra, tỉnh Bắc Giang yêu cầu gắn sao công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn dựa trên 42 tiêu chí. Với sự chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền đến nay, việc triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” trở thành phong trào dân vận khéo sôi nổi tại các địa phương với nhiều mục tiêu và cách làm sáng tạo tại Bắc Giang.

Huyện Yên Thế cùng “Chính quyền thân thiện” đã triển khai song song mô hình “Công an xã, phường, thị trấn tận tụy, gắn bó, thân thiện, vì nhân dân phục vụ” trong 19/19 xã, thị trấn. Mới đây tháng 3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tiếp tục ban hành Công văn số 2858-CV/TU về nâng cao chất lượng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn. Trong đó, xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã.

Đưa kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng chính quyền thân thiện là một tiêu chí để đánh giá người đứng đầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy xã, phường, thị trấn và đánh giá, chấm điểm xếp loại trách nhiệm chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, thực hiện từ năm 2024. Bắc Giang phấn đấu đến hết năm 2024, có 60% và đến năm 2025 có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chính quyền thân thiện…

Cùng với Bắc Giang, nhiều địa phương trên cả nước như Thanh Hóa, Hưng Yên, Thái Bình... triển khai mạnh mẽ mô hình “Chính quyền thân thiện”. Là một trong những người đầu tiên được nhận thư khen của Ủy ban nhân dân xã từ việc hiến gần 100m2 đất mở rộng đường giao thông nội đồng, bác Nguyễn Thế Ry, thôn Phù Sa, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) xúc động mong muốn xã có nhiều hình thức động viên bà con tham gia xây dựng làng xóm hơn nữa. Bác Nguyễn Trọng Dân, tại xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà (Thái Bình) thấy gần gũi, thân thiết khi được đội ngũ cán bộ xã tại phòng giao dịch một cửa tiếp đón tận tình, chu đáo.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình, mô hình “Chính quyền thân thiện” đang góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng Đại hội XIII của Đảng chỉ ra là đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới nhằm “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”.