Bài 2: Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19
Các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các địa phương đều thành lập tổ Covid cộng đồng cùng các tổ tự quản đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; vừa làm công tác tuyên truyền, giám sát người dân thực hiện 5K vừa phát hiện, truy vết các ca bệnh.
Huy động sức dân để kiểm soát dịch bệnh
Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Lầu Bá Chày cho biết: Trong đợt dịch lần thứ tư, xã đón 205 lao động từ ngoài tỉnh trở về. Xã đã huy động người dân dựng 20 lán bằng tranh, tre biệt lập làm khu cách ly tập trung, với quy mô cách ly cho khoảng 50-60 người. Ngoài ra, các bản còn tận dụng chòi, lán ở nương, rẫy để bố trí người cách ly. Các bản, dòng họ vận động người nhà, anh em trong dòng họ đóng góp lương thực, thực phẩm để nuôi người cách ly.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết: Huyện có hơn 12 nghìn lao động làm ăn xa quê, trong đó có khoảng tám nghìn người có nhu cầu về quê. Huyện đã lên phương án để đón tiếp công dân trở về một cách chu đáo nhất trong điều kiện có thể. Đến nay, hơn bốn nghìn người đã về quê hương an toàn và đã cơ bản cách ly xong. Trong khi đó, huyện Anh Sơn (Nghệ An) còn vận động người dân dồn nhà để làm điểm cách ly tập trung cho chính con em họ, giảm áp lực cho khu tập trung. Trong 190 điểm cách ly tập trung ở Anh Sơn, có đến 140 điểm cách ly tại nhà dân, dưới sự giám sát chặt của tổ Covid cộng đồng, tổ tự quản và người dân.
Trong đợt dịch thứ tư, xã Mường Kim, huyện Than Uyên có số lao động đi làm ăn xa trở về địa phương nhiều nhất tỉnh Lai Châu, với gần 1.700 người. Xã đã phát huy cao nhất vai trò của các tổ chức hội, các tổ tự quản và từ chính các hộ dân trong các bản. Các tổ tự quản cùng lực lượng tổ chức chốt, rào chắn tại đường mòn, lối mở, hằng ngày xuống từng bản để kiểm tra các hộ có người cách ly y tế tại nhà. Anh Lò Quyết Thắng - Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phòng, chống dịch Covid-19 xã cho biết: Mặc dù có số lượng lao động về địa phương khá lớn, song chính quyền đều nắm được và kiểm soát được. Nhiều gia đình đã vận động con em, người thân làm đơn tự nguyện đi cách ly tập trung sau khi về. Nhờ đó, xã là “vùng xanh” an toàn trong suốt thời gian qua.
Tại huyện Bảo Yên “cửa ngõ” của tỉnh Lào Cai do có quốc lộ 70 và quốc lộ 279 chạy qua, tiếp giáp với hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang, trước tình trạng nhiều lao động tìm mọi cách trở về địa phương để tránh dịch, Huyện ủy Bảo Yên chỉ đạo tập trung củng cố tổ Covid cộng đồng, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có ít nhất một tổ truy vết để nắm chắc mọi di biến động ở từng ngõ xóm, từng hộ gia đình. Những ngày dịch diễn biến phức tạp, anh Hoàng Văn Hàn, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng thôn Làng Đẩu (xã Phúc Khánh) cùng các thành viên trong tổ rà soát từng hộ dân, lập danh sách những người đi làm ăn xa, để báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 xã có phương án xử lý kịp thời. Thôn Đầm Rụng nằm dọc theo quốc lộ 70, có nhiều phương tiện và người lưu thông, chị Đặng Thị Nga, dân tộc Dao, Tổ trưởng Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng dùng loa kéo của gia đình để cùng các thành viên trong tổ di chuyển dọc theo quốc lộ và các điểm tập trung dân cư, khu vực họp chợ để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Lý Thị Vinh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai nhận xét, hơn 1.600 tổ Covid cộng đồng trong tỉnh thật sự là “cánh tay nối dài, sâu sát cơ sở” của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai.
Duy trì sản xuất trong vùng xanh
Năm 2021, huyện Ba Bể là địa bàn đầu tiên của Bắc Kạn phát hiện ca mắc Covid-19, dẫn tới phải phong tỏa, cách ly hai thôn, bản, dấy lên lo lắng về việc khó tiêu thụ nông sản đặc sản địa phương. Tuy nhiên, nhờ nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường. Vụ xuân 2021, toàn huyện trồng được 122 ha bí xanh thơm, tập trung tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương, Mỹ Phương và Thượng Giáo; năng suất ước đạt 400 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 5.000 tấn; tăng 46 ha, tăng 1.840 tấn so với vụ xuân 2020. Để hỗ trợ người dân tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất đã chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, xúc tiến kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị lớn. Nhờ đó, toàn bộ sản lượng bí xanh thơm đã được tiêu thụ hết. Giám đốc Hợp tác xã Nhung Lũy (huyện Ba Bể) Đinh Tuyết Nhung cho biết, HTX duy trì ổn định chuỗi liên kết sản xuất trồng bí xanh thơm với 230 hộ dân trên diện tích hơn 23 ha, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn trong vụ này. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sản phẩm có uy tín, thương hiệu, đã được hệ thống các siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử bao tiêu, cho nên việc tiêu thụ không bị đứt gãy. Chín tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Bắc Kạn đạt hơn 4.020 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2020.
Những ngày này, cây cam vàng ở Hà Giang - vựa cam lớn nhất miền bắc đã bước vào mùa thu hoạch. Năm nay, sản lượng cam của Hà Giang đạt khoảng 82 nghìn tấn, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, các huyện có diện tích trồng cam lớn như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên vẫn an toàn trước dịch bệnh. Gia đình anh Đặng Xuân Hòa, thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo có 7 ha cam, trong đó có 4 ha cam vàng bắt đầu cho thu hoạch. Anh Hòa cho biết: “Thương lái từ các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh đã đặt mua 20 tấn cam vàng từ nay đến cuối tháng 10. Gia đình tôi đã được tiêm vắc-xin để giao dịch với người từ ngoài tỉnh. Xã cũng cam kết hỗ trợ cho các thương lái vào tận nhà để thu mua với điều kiện phải bảo đảm các quy định phòng dịch”.
Ông Vi Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang cho biết: “Xã có 930 ha cam vàng, cam sành. Để bảo đảm năng suất, sản lượng cam không tụt giảm, xã cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên đến các hợp tác xã, hộ trồng cam để hướng dẫn, động viên người dân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Hiện nay, cam vàng bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt 127 tạ/ha. Xã ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các hộ trồng cam để thuận tiện trong việc giao dịch với các thương lái hoặc đưa cam ra ngoài tỉnh tiêu thụ. Các thương lái muốn đến mua cam yêu cầu phải tiêm đủ hai mũi vắc-xin phòng Covid-19, đồng thời được cán bộ y tế kiểm tra dịch tễ, thực hiện các biện pháp phòng dịch”. Cùng với đó, các ngành chức năng, địa phương đã rốt ráo tìm giải pháp tiêu thụ cam, xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm truyền thống thông qua các chợ đầu mối, tư thương, các tập đoàn phân phối.
Công tác dân vận tại các vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đổi mới trong tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết một lòng, góp phần kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng của Tổ quốc.