Buôn làng đổi thay nhờ cây lúa nước

Những năm gần đây,  các tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… có nhiều  chủ trương, chính sách phát triển cây lúa nước tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tỉnh đã huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư thủy lợi, đẩy mạnh khuyến nông, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp, ổn định lương thực tại chỗ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn miền núi.

Ksor Y Rít (bên phải ảnh), trưởng buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên) trao đổi kỹ thuật trồng lúa nước với cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Ảnh: TRÌNH KẾ
Ksor Y Rít (bên phải ảnh), trưởng buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên) trao đổi kỹ thuật trồng lúa nước với cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Ảnh: TRÌNH KẾ

Krông Pa (huyện Sơn Hòa) là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Yên, nằm giáp ranh tỉnh Gia Lai. Toàn xã có 884 hộ, 4.039 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê. Trước năm 2014, người dân còn nghèo đói. Nạn chặt phá, đốt rừng lấy đất trỉa lúa vẫn xảy ra mà không năm nào người dân đủ ăn kỳ giáp hạt. Nhiều năm nắng hạn kéo dài, hàng trăm héc-ta lúa trồng cạn chết trắng, cái đói đeo đuổi nhiều gia đình… "Krông Pa hôm nay đã đổi thay nhiều rồi. Cây lúa nước đã làm no cái bụng, buôn làng đoàn kết", Ma Blem ở buôn Chơ nói. Gia đình Ma Blem có 1,1 ha ruộng lúa nước hai vụ, nhờ áp dụng tốt các biện pháp thâm canh cho năng suất 65 - 70 tạ/ha, mỗi năm thu nhập hơn 10 tấn lúa.

Ông Nay Y Then ở buôn Chơ kể rằng, năm 2014, khi Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ đầu tư trạm bơm nước buôn Lé để sản xuất 300 ha lúa nước cho xã Krông Pa, gia đình ông được huyện chọn làm thí điểm. Với 5,2 sào ruộng, ban đầu gia đình ông chưa có kinh nghiệm canh tác nên năng suất còn thấp. Nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn từ các khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch, nhiều vụ lúa được mùa, nhà Y Then đã có của ăn, của để: "Mỗi vụ nhà tôi thu được 70 bao lúa (loại 50 kg/bao), chỉ để chừng 30 bao để ăn, còn lại bán đi để lo con ăn học.Trước kia cũng diện tích đó, nhưng năm nào cũng thiếu đói dịp giáp hạt".

Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa Kpă Thinh khẳng định, nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp, trong đó mấu chốt là việc chuyển đổi sản xuất từ lúa nhờ nước trời sang lúa chủ động tưới đã thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn của người dân. Trong nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), toàn xã có diện tích gieo trồng tăng 1.000 ha, sản lượng lương thực có hạt 2.500 tấn, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm mỗi năm 4%; thu ngân sách hằng năm tăng 72,2%… Nhờ tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức, tập quán lạc hậu sang phương thức sản xuất lúa nước của người dân, cuối năm 2020, Đảng ủy xã Krông Pa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2017, từ nhiều nguồn vốn Trung ương và địa phương, tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay toàn huyện có 1.716 ha trồng cây lúa nước, từ hai đến ba vụ/năm tùy theo vùng; năng suất trung bình đạt 4,1 tấn/ha/vụ. Có một số hộ thu hoạch đạt năng suất từ 5 -7 tấn/ha/vụ. Nổi bật như hộ nông dân Nguyễn Hiển, xã Phước Chính, trong vụ đông xuân 2020 - 2021, thu hoạch đạt đến 10 tấn/ha. Các hộ như: Pi năng Manh, xã Phước Tiến; Pi lao Nóng, xã Phước Thắng; Chamalé Bón, xã Phước Trung,… thu hoạch đạt năng suất từ 5 -7 tấn/ha/vụ. Nhờ đó, thu nhập cao gấp nhiều lần so với hình thức trồng, tỉa trên núi cao trước đây. Nhiều gia đình có điều kiện tích lũy vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mở rộng diện tích. Nông dân Pi năng Manh tâm sự: "Trước đây, lên rẫy trên núi cao, trồng tỉa cây ngô, cây đậu, thu hoạch mỗi mùa vụ không đủ ăn, đời sống gia đình tôi khó khăn lắm. Từ ngày được cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn cách trồng cây lúa nước, mỗi mùa gặt, nhà tôi dư lương thực. Người dân còn biết đưa cơ giới vào sản xuất, thu hoạch, không mất nhiều công sức như trước".

Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, anh Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện lúa nước được gieo trồng ở các xã Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Phú, Khánh Thượng... chủ yếu trên những vùng được tưới chủ động của các hồ và đập dâng. Diện tích gieo trồng hằng năm khoảng 800 ha; năng suất lúa bình quân hằng năm đạt khoảng 31 tạ/ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định Trần Văn Phúc nói: Thời gian qua, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng mô hình khuyến nông sản xuất lúa nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình "thâm canh lúa nước" cho đồng bào ở các huyện, như: An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh nhằm trình diễn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân nơi đây. Đến nay đã xây dựng và thực hiện mô hình "sản xuất lúa lai vùng khó khăn lương thực" tại các địa phương, như: An Quang, An Vinh (huyện An Lão), Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), Vĩnh An (huyện Tây Sơn), Vĩnh Kim, Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh), Canh Liên, Canh Thuận, Canh Hiệp (huyện Vân Canh); năng suất trung bình đạt 67 tạ/ha (tăng 16 tạ/ha so với lúa thuần).

Cây lúa nước đã thật sự đổi thay cuộc sống người dân tại các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, điều kiện địa hình miền núi, vùng cao, những công trình thủy lợi như đập dâng tự chảy, trạm bơm nước thường không lớn, mỗi đập dâng chỉ tưới được cho một số diện tích nhất định ở gần đập sau khi chuyển từ đất rẫy thành đất ruộng. Do đó, nhiều hộ không có điều kiện làm lúa nước. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo.

Tại tỉnh Bình Định, trong những năm qua đã lồng ghép các chương trình nguồn vốn như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình 135 hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới... đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa nước tại miền núi, như: hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng giai đoạn 2016 - 2020 cho ba huyện miền núi: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, với tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa là 53 km; xây dựng hệ thống tưới tiêu Tà Loan, xã An Hưng, huyện An Lão, với tổng kinh phí 7 tỷ đồng để dẫn nước tưới phục vụ sản xuất và tiêu thoát lũ cho khoảng 55 ha đất sản xuất nông nghiệp, bảo đảm điều kiện sản xuất cho xã An Hưng; xây dựng đập dâng Suối Ba Cây, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng, phục vụ tưới cho làng Canh Tiến, xã Canh Liên; sửa chữa, nâng cấp nhiều hồ chứa thủy lợi ở huyện miền núi An Lão.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thượng, Pi Năng Là Bê trồng lúa nước khá hiệu quả. Ông gắn bó với cây lúa nước hơn 20 năm nay. Cây lúa nước đã giúp gia đình ông có đủ lương thực, ổn định cuộc sống. Ông Bê cho biết, hiện khu vực Khánh Thượng có ba đập nước tưới, gồm đập Ba Răm, đập Công Dinh và đập Suối Tre nên nguồn nước khá ổn. Vấn đề người dân đang quan tâm là làm thế nào để tăng năng suất lúa. Ở đây đang có rất ít máy cày tay, làm đất không kịp, người dân phải cuốc, vừa vất vả vừa chậm, ảnh hưởng năng suất lúa.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên Đinh Ngọc Dạn cho biết, trong điều kiện nguồn kinh phí của huyện còn khó khăn, huyện vẫn xác định phát triển cây lúa nước cho người dân là chiến lược. Năm 2020 địa phương đã đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng trạm bơm hồ trung tâm, thị trấn Hai Riêng. Với hai tổ máy chạy bằng điện công suất 520 m3/giờ, đẩy nước lên độ cao 26 m rồi dẫn vào kênh mương thủy lợi, bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ khoảng 70 ha đất sản xuất nông nghiệp cho người dân xã Ea Bia và một số hộ dân lân cận. Ngay sau khi khánh thành, hơn 30 ha đất của 134 hộ dân đã được cải tạo thành ruộng chuyên canh cây lúa nước hai vụ.