Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi là Quản Chơn, Quản Lịch), sinh năm 1838, tại Bình Nhật, huyện Cửa An, phủ Tân An, nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, trong một gia đình làm nghề chài lưới. Sinh thời, ông là người rất tinh thông võ nghệ, am hiểu sách thánh hiền, tính tình cương trực, giàu lòng yêu nước.
Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Định. Năm 1861, thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ hai, ông cùng đội nông binh tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới trướng Thống đốc Quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương.
Sau khi thành Gia Định thất thủ lần thứ hai (tháng 2/1861), ông đã tập hợp những người yêu nước có ý chí chống giặc ngoại xâm hoạt động kháng Pháp ở vùng Tây Nam Bộ, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu là trận chiến dùng hỏa công đốt cháy và nhấn chìm tiểu pháo hạm Hy vọng (L’Espérance) và tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp trú tại đồn Kiên Giang. Sau đó, quân Pháp đã bắt được ông, đem xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi...
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được người dân nhiều nơi lập đình thờ. Tại Kiên Giang hiện có 15 điểm di tích, cơ sở thờ tự tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực như ở Hòn Đất, Phú Quốc, Châu Thành, Tân Hiệp... Đây là những "địa chỉ đỏ", điểm tham quan để người dân, du khách bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ngoài Kiên Giang, nhiều tỉnh cũng có đình thờ Nguyễn Trung Trực như ở Long An, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định…
Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm, tỉnh Kiên Giang thành lập Ban tổ chức lễ Đình thần Nguyễn Trung Trực chuẩn bị các công việc phục vụ. Mặc dù chính thức diễn ra trong ba ngày 26, 27, 28/8 âm lịch, nhưng người dân từ các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thường về dự lễ trước từ 3-5 ngày và ở lại sau lễ 2-3 ngày.
Năm nay, nhân dịp tưởng niệm 155 năm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2023), Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia "Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực-thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang".
Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn về những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các thế hệ nghệ nhân và mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Lễ hội thể hiện tính nhân văn đặc sắc và tính xã hội hóa cao, là một lễ hội của cộng đồng, của nhân dân. Tinh thần ấy được trao truyền từ xa xưa đến ngày nay và sẽ đến tận mai sau...
Khách về dự lễ giỗ cụ Nguyễn rất đông. Người dự lễ hội được cung cấp cơm chay, nước uống, nhang đèn miễn phí.
Ông Phan Văn Thi (Tám Thi), 72 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, có hơn 24 năm liền làm từ thiện phục vụ lễ giỗ cụ Nguyễn. Trước lễ khoảng 20-30 ngày, ông Tám Thi thu xếp công việc gia đình, lên kế hoạch vận động người thân quen đóng góp gạo, rau, củ, quả chuẩn bị mang về thành phố Rạch Giá làm giỗ cụ Nguyễn. Năm nay, nhóm từ thiện của ông Tám Thi có khoảng 100 người được giao phụ trách một trại cơm cùng với đổ bánh xèo phục vụ thực khách miễn phí.
"Năm nay, chúng tôi chuẩn bị được vài tấn gạo, rau, củ, quả và tàu hũ để phục vụ bà con về dự giỗ cụ Nguyễn. Riêng bánh xèo, nhóm của tôi có khoảng 30 người phục vụ với lượng bột được chế biến từ khoảng tám bao gạo mỗi ngày", ông Tám Thi cho biết.
Theo Ban Bảo vệ di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực, thống kê sơ bộ, lễ giỗ cụ Nguyễn năm 2023 có khoảng hơn 3.000 lượt người đến phục vụ cho khoảng 1,2 đến 1,5 triệu lượt khách tham dự...
Tinh thần chống giặc ngoại xâm của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực luôn được "dân thờ, nước nhớ" sâu đậm. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu cho biết: "Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền giá trị đặc sắc của lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực để nhân dân tự hào về di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này, biến đó trở thành động lực và nguồn lực quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà...".