Đây là mức giảm lớn nhất cả về con số tổng thể lẫn theo tỷ lệ phần trăm, kể từ khi các dữ liệu có thể được so sánh từ năm 2013, do số trường hợp tử vong nhiều hơn ca sinh đẻ, trong khi các biện pháp hạn chế biên giới nhằm chống dịch Covid-19 khiến lượng cư dân ngoại quốc tại nước này duy trì ở mức thấp.
Toàn bộ 47 tỉnh và thành phố của Nhật Bản, ngoại trừ Okinawa, đều ghi nhận dân số giảm trong giai đoạn thống kê nêu trên. Trong đó, thủ đô Tokyo, các tỉnh Saitama, Chiba và Kanagawa lần đầu ghi nhận dân số giảm kể từ năm 2013, do đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến dòng người đổ về các khu vực thành phố trung tâm giảm.
Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng tỷ lệ sinh con, trong khi khuyến khích người dân chuyển về sống ở các khu vực ngoài thủ đô Tokyo nhằm hồi sinh các cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, các biện pháp do chính phủ áp dụng chưa phát huy hiệu quả, khi dân số nước này đã duy trì xu hướng giảm trong năm thứ 13 liên tiếp. Nhật Bản ghi nhận số ca tử vong ở mức cao nhất mọi thời đại là khoảng 1,44 triệu người và số ca sinh ở mức thấp kỷ lục, khoảng 810.000 người.
Người nước ngoài cư trú tại quốc gia này cũng giảm 107.202 xuống còn 2.704.341 người, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp ghi nhận xu hướng giảm, do tác động của các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ mà chính phủ áp dụng khi dịch Covid-19 tiếp tục lây lan.
Thủ đô Tokyo ghi nhận mức dân số giảm lớn nhất trên cả nước, với 48.592 người. Thành phố này ghi nhận tình trạng giảm dân số lần đầu từ năm 2013, do số lượng đáng kể cư dân ngoại quốc di cư ra nước ngoài, trong khi lượng người Nhật chuyển đến giảm.
Trong khi đó, các tỉnh Akita, Aomori và Yamagata ở Đông Bắc Nhật Bản có tỷ lệ giảm dân số cao nhất, lần lượt là 1,52%, 1,35% và 1,25%. Okinawa là địa phương duy nhất ghi nhận dân số tăng, với 186 người, do tỷ lệ sinh tương đối cao.
Những người từ 65 tuổi trở lên, độ tuổi nghỉ hưu, chiếm 29% toàn bộ dân số, tăng 0,27% so với một năm trước đó và là mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê lần đầu vào năm 1994. Trong khi đó, tỷ lệ dân số từ 15-64 tuổi, được coi là độ tuổi lao động, chiếm 58,99%, giảm 0,10% so với năm trước đó và là mức thấp kỷ lục.