Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có quy mô dân số đạt mức 9 triệu người. Đồng thời, bảo đảm chất lượng dân số.
Cụ thể một số chỉ tiêu như: Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân 0,15%/năm; 85% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Về tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 111 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 87%; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 66 năm. Thành phố cũng phấn đấu đạt tỷ lệ dân số đô thị khoảng 58%; bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở nông thôn, thành thị.
Đến năm 2030, quy mô dân số đạt mức 9,8 triệu người; duy trì mức sinh thay thế; 90% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; 95% trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Về tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 109 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 90%; tuổi thọ bình quân đạt trên 75 tuổi, trong đó, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.
Chiều cao trung bình người Hà Nội 18 tuổi đối với nam đạt 169 cm, nữ đạt 158 cm. Tỷ lệ dân số đô thị đạt khoảng 65%; bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở nông thôn, thành thị. 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn thành phố và quy mô toàn quốc; 100% ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Với việc ban hành kế hoạch này, Hà Nội mong muốn duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển Thủ đô.