Đan Phượng nâng cao chất lượng nông thôn mới

Sau khi ba xã Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của thành phố Hà Nội, huyện Đan Phượng đặt mục tiêu có thêm bảy xã đạt chuẩn mới. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây trồng tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng). Ảnh: BÁ HOẠT
Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây trồng tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng). Ảnh: BÁ HOẠT

Thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, năm 2016, huyện Ðan Phượng đã lựa chọn ba xã, gồm: Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung để tập trung thực hiện bộ tiêu chí mới. Sau khi hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn. Mỗi xã xây dựng ít nhất một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn, góp phần nâng cao đời sống người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của hai xã Ðan Phượng và Song Phượng đạt gần 51 triệu đồng/năm; riêng xã Liên Trung lên tới 62 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Ðan Phượng là 0,54%, xã Liên Trung còn 0,24%, xã Song Phượng không còn hộ nghèo. Tuy nhiên, lãnh đạo các xã vẫn chưa hết băn khoăn. Theo đại diện UBND xã Ðan Phượng, thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Ðể làm được những công việc này, nguồn vốn đầu tư đòi hỏi rất lớn, là bài toán nan giải, cần sự hỗ trợ từ huyện, thành phố.

Thời gian qua, huyện Ðan Phượng đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng NTM, nhất là công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Người dân đã thật sự trở thành chủ thể, đối tượng hưởng thụ thành quả từ NTM. Huyện tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, trong đó giải pháp đột phá là chuyển đổi cơ cấu kinh tế; tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa những giống cây có giá trị cao vào đồng ruộng. Riêng sáu tháng qua, huyện đã chuyển thêm được 66 ha đất sang trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn, nâng diện tích trồng hoa trên địa bàn huyện đạt 507 ha, diện tích trồng cây ăn quả hơn 600 ha. Tiếp tục thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực gồm bưởi tôm vàng, rau hữu cơ và hoa lan, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, huyện tập trung quy hoạch và xây dựng sáu cụm công nghiệp làng nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của người dân gắn với bảo đảm an sinh xã hội.

Sau khi ba xã Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Ðan Phượng tập trung chỉ đạo toàn bộ các xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó bảy xã, gồm: Ðồng Tháp, Phương Ðình, Thọ An, Trung Châu, Tân Hội, Tân Lập và Liên Hà thực hiện theo bộ tiêu chí NTM nâng cao. Ðến nay, toàn bộ 15 xã trên địa bàn huyện đều đạt và cơ bản đạt từ 15 tiêu chí trở lên, trong đó, hai xã Phương Ðình và Liên Hà đã đạt và cơ bản đạt 18 trong số 19 tiêu chí NTM nâng cao. Ðáng chú ý, việc giảm số hộ nghèo của các xã đạt kết quả ấn tượng khi 14 trong số 15 xã có tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 1%, trong đó xã Trung Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện cũng chỉ còn 1,06%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 46 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bảy xã về đích NTM nâng cao thì còn không ít khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thẳng thắn cho biết, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Kết quả xây dựng NTM tại một số xã chưa đồng đều. Một số tiêu chí như tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, môi trường và an toàn thực phẩm chưa cao. Nhất là việc thu hút nguồn lực xã hội hóa cho công tác xây dựng NTM của địa phương còn hạn chế. Từ đầu năm đến nay, huyện mới huy động được 18,3 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, trong khi tổng số tiền đầu tư xây dựng NTM gần 410 tỷ đồng. Ðồng chí Nguyễn Thạc Hùng cho biết thêm, mặc dù huyện vẫn nằm trong tốp đầu về xây dựng NTM của thành phố, tuy nhiên, không vì thế mà địa phương tự bằng lòng với thành tích đã đạt được. Việc đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao nhằm tạo thêm "sức ép" để các xã không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Để đạt mục tiêu có thêm bảy xã đạt NTM nâng cao trong năm nay, huyện Ðan Phượng cần sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Ðồng thời, đa dạng các giải pháp huy động nguồn lực xã hội để cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và thiết chế văn hóa, nhất là các trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời cho người dân. Ðẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực xây dựng NTM. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, thúc đẩy các ngành nghề thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện phát triển làng nghề, gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, đưa các hộ dân vào sản xuất, kinh doanh tập trung tại các khu, cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ðẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.