Dần khẳng định vị thế trong chuỗi sản xuất xơ sợi

Từng nằm trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, nhưng hiện tại, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (thuộc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam-VNPoly) đã về đích, đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Doanh nghiệp cũng dần khẳng định được vị trí, thương hiệu trong chuỗi sản xuất, hướng tới “nấc thang” mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất sợi polyester (DTY) tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: vnpoly.vn
Sản xuất sợi polyester (DTY) tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: vnpoly.vn

Được xây dựng và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 9/2013, Xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 324,7 triệu USD (tương đương hơn 7.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, do gặp khó khăn về thị trường và tài chính, giá bán sản phẩm, cuối tháng 9/2015 nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Đến nay, với sự quyết tâm, nỗ lực, nhà máy từng bước thoát khó, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Vực dậy sản xuất

Tổng Giám đốc VNPoly Trần Huy Thư cho biết, sau khi nhà máy đi vào vận hành thương mại, do gặp nhiều yếu tố bất lợi cả chủ quan lẫn khách quan, đặc biệt là biến động giá dầu thô năm 2014-2015, khan hiếm về nguyên liệu sản xuất, cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu, thiếu vốn lưu động,… khiến “cỗ máy” xơ sợi bị tê liệt, dừng sản xuất do thua lỗ. Năm 2017, nhà máy được liệt vào danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Trải qua rất nhiều khó khăn, cuối năm 2017, khi có Quyết định 1468 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” nhưng các cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, các cổ đông và VNPoly phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để trình lên Bộ Công thương xin chủ trương cho phép vận hành lại nhà máy từ các nguồn lực hợp pháp.

Tháng 3/2018, Bộ Công thương chấp thuận về chủ trương cho vận hành nhà máy trở lại. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cổ đông đã có những giải pháp mạnh mẽ về tài chính để xử lý một số khoản nợ ngắn hạn như: trả nợ nhà cung cấp dịch vụ điện nước, trả nợ cho các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, cung cấp vốn lưu động ban đầu,...

Từ tháng 4/2018 đến tháng 11/2021, VNPoly đã vận hành toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi polyester (DTY), các sản phẩm đã đáp ứng tiêu chuẩn OEKO-TEX (CHLB Đức) và yêu cầu khắt khe của chứng chỉ tái sinh toàn cầu GRS. Sợi DTY được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,...

Đặc biệt từ tháng 2/2020, VNPoly đã đưa sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tái chế vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các hãng thời trang hàng đầu thế giới như Adidas, Nike, Target… về tiêu chuẩn sản xuất xanh, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và môi trường. Để đạt được thành quả nêu trên, đơn vị không chỉ vận dụng triệt để các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh sản phẩm cốt lõi mà còn thông qua hoạt động kinh doanh khác như: cung cấp quần áo bảo hộ lao động, đồng phục thể thao, cho thuê cơ sở hạ tầng và văn phòng khi chưa sử dụng đến.

Các hoạt động tự doanh đã tạo ra lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Qua đó, bảo đảm đời sống và công ăn việc làm ổn định cho gần 300 người lao động với mức lương bình quân 10 triệu đồng/tháng, không bị gián đoạn kể cả trong thời gian dịch Covid-19.

Khẳng định vị thế trong chuỗi

Lãnh đạo VNPoly cũng cho biết, để ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, bắt buộc phải xử lý hết những vướng mắc liên quan vấn đề pháp lý, có phương án sản xuất, kinh doanh dài hạn, có phương án tái cấu trúc và xử lý các khoản nợ, xin giãn nợ, bảo đảm hoạt động kinh doanh phải có lãi.

Về pháp lý, các cổ đông và đơn vị đã giải quyết xong vụ kiện tranh chấp phát sinh hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu HEC-LGI-PVC và được hòa giải tại trọng tài quốc tế Singapore. Kết quả của vụ kiện mang lại lợi ích về cho doanh nghiệp hơn 22,1 triệu USD. Các cổ đông và VNPoly đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cùng phương án tái cấu trúc và đã được phê duyệt, đồng thời xử lý các khoản nợ ngắn, trung hạn tại các ngân hàng theo kế hoạch. Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên sẵn sàng đối diện khó khăn, vượt qua “giông bão”.

Đến tháng 11/2021, VNPoly đã ra khỏi danh sách trên. “Hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực nội tại doanh nghiệp cùng sự đồng hành của các khách hàng, đối tác, các cổ đông và các bộ, ngành, đơn vị sẽ từng bước vượt qua thách thức, duy trì phát triển” - lãnh đạo công ty nhấn mạnh.

Số liệu thống kê của VNPoly cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã sản xuất gần 17 nghìn tấn sợi với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường; doanh thu đạt 446,3 tỷ đồng; lợi nhuận 32 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã chủ động cân đối, thu xếp các khoản chi phí tối thiểu thay vì nhận hỗ trợ của các cổ đông như những năm 2020 trở về trước.

Bên cạnh đó, công ty đã hoàn thiện phương án vận hành sản xuất xơ polyester (PSF) và bảo dưỡng một số máy móc thiết bị, ký kết các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ với các khách hàng trong và ngoài nước. Thời gian qua, nhằm khép kín liên kết chuỗi, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước và tăng tính chủ động về nguyên liệu cho VNPoly, PVN đã chỉ đạo đơn vị trong ngành dầu khí xúc tiến đàm phán với đối tác nước ngoài nhằm đầu tư máy móc thiết bị tại Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ để sản xuất nguyên liệu sợi tái sinh từ nguồn phế thải nhựa trong nước. Qua đó, làm tăng lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, VNPoly sẽ vận hành lại dây chuyền sản xuất xơ PSF. Đơn vị đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và bạn hàng truyền thống thuộc thị trường Ấn Độ, Pakistan,...

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, việc VNPoly duy trì nhịp độ sản xuất, bảo đảm an toàn sức khỏe, tiền lương, phúc lợi cho người lao động cũng như khẳng định năng lực, chất lượng sợi đã giúp các đối tác có cái nhìn trực quan, thay đổi quan điểm sai lệch trước đây, qua đó củng cố niềm tin, tham gia cùng VNPoly khắc phục khó khăn, đưa vào vận hành toàn bộ nhà máy trong thời gian sớm nhất.

Theo dự báo, những tháng cuối năm, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt là nguy cơ đứt gãy nguồn cung, chi phí nguyên vật liệu tăng cao,... Vì vậy, việc VNPoly ổn định sản xuất, cung ứng sản phẩm sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội khi Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, các yêu cầu về xanh hóa và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.