Trước Tết Nguyên đán 2020, tại xã Linh Thông xuất hiện một ổ dịch lở mồm long móng làm 25 con trâu, bò mắc bệnh. Phó Chủ tịch UBND xã Linh Thông Lưu Viết Viên cho biết: “Xã có đàn gia súc lớn nhất huyện với hơn 800 con trâu, bò, hơn 200 con dê, gần hai nghìn con lợn và ba vạn con gia cầm. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vaccine phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi từ ngày cuối tháng 3 đến cuối tháng 4. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được vaccine để tiêm phòng, tiêm phòng không kịp thời có thể làm cho đàn gia súc, gia cầm bùng phát dịch bệnh”.
Linh Thông là xã vùng cao thuộc diện được tỉnh hỗ trợ 100% vaccine tiêm phòng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được vaccine để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm là quá chậm. Việc chậm cung ứng vaccine tiêm phòng dịch còn diễn ra trên địa bàn các xã thuộc huyện Định Hoá. Toàn huyện Định Hoá, đàn trâu, bò có hơn mười nghìn, gần 40 nghìn con lợn và hơn 750 nghìn con gia cầm… Việc toàn bộ đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine khi bước vào mùa cao điểm dịch bệnh đã và đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của huyện.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Định Hóa Triệu Xuân Việt chia sẻ: Theo kế hoạch ban đầu, toàn huyện sẽ triển khai tiêm phòng đợt một năm 2020 cho đàn vật nuôi từ ngày 20-3 đến ngày 20-4, với 50 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm; 10 nghìn liều vaccine tụ huyết trùng trâu, bò; 15 nghìn liều vaccine lở mồm long móng; 16 nghìn liều vaccine dịch tả lợn; 12 nghìn liều vaccine tụ dấu lợn và 10 nghìn liều vaccine phòng dại chó. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được vaccine cung ứng nên kế hoạch tiêm phòng chưa thể thực hiện được. Do đó, đang có nguy cơ bùng phát dịch trên đàn gia súc, gia cầm”.
Trong thời gian chờ cung ứng các loại vaccine, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, cán bộ thú y của huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, như thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của đàn vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi có biểu hiện mắc bệnh hoặc ốm chết cần báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Được biết, việc cấp phát vaccine chậm là do Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Nguyên chậm được cấp phát nguồn kinh phí mua vaccine, thủ tục đấu thầu mất nhiều thời gian. Dự kiến, đến giữa tháng 4-2020 các loại vaccine tiêm phòng cho gia súc, gia cầm mới được cung ứng đủ.