Đàm phán thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan không có tiến triển

SPA đưa tin các nhà hòa giải lấy làm tiếc về việc các bên tham chiến tại Sudan "đã không thể nhất trí về lệnh ngừng bắn trong vòng đầu tiên này".
0:00 / 0:00
0:00
Khói bốc lên sau một trận giao tranh ở Sudan. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)
Khói bốc lên sau một trận giao tranh ở Sudan. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Ngày 7/11, Saudi Arabia thông báo các bên tham chiến ở Sudan đã không đạt được tiến triển nào nhằm hướng tới lệnh ngừng bắn sau vòng hòa đàm mới nhất tại Jeddah, song hai bên tái khẳng định cam kết tôn trọng các thỏa thuận trước đây, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA) đưa tin "các nhà hòa giải lấy làm tiếc" về việc các bên tham chiến tại Sudan "đã không thể nhất trí về lệnh ngừng bắn trong vòng đầu tiên này, do không có giải pháp quân sự nào có thể được chấp nhận cho cuộc xung đột hiện nay".

Trước đó, các bên tham chiến tại Sudan đã được nối lại đàm phán hôm 26/10 tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia.

Theo chính quyền Riyadh, lần hòa đàm này được tổ chức nhằm mục đích "tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo, thiết lập lệnh ngừng bắn và các biện pháp xây dựng lòng tin khác, đồng thời tiến tới chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch".

Những lần hòa giải trước đó của các phe phái tại Sudan chỉ dẫn đến những thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và bị vi phạm một cách có hệ thống ngay sau khi đạt được.

Theo SPA, trong vòng đàm phán mới này, hai bên tham chiến ở Sudan đã đồng ý hợp tác với Liên hợp quốc "để vượt qua những trở ngại trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo". Hai bên cũng nhất trí về "các biện pháp xây dựng lòng tin".

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington quan ngại trước thông tin về một cuộc tấn công sắp xảy ra ở El Fasher, Bắc Darfur và đang kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan ngay lập tức ngừng ngay động thái tấn công.

Giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán vũ trang RSF nổ ra hồi giữa tháng Tư do căng thẳng liên quan đến kế hoạch chuyển tiếp sang chế độ dân sự.

Đến nay, xung đột đã tàn phá thủ đô Khartoum và nhiều thành phố lớn khác tại Sudan, gây ra tình trạng xung đột sắc tộc ở khu vực Darfur, cũng như khiến hơn 5,75 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.