Bình luận quốc tế

Đàm phán hạt nhân Iran - con đường chông gai

Iran đã ngắt kết nối một số camera do IAEA lắp đặt để giám sát các hoạt động hạt nhân của Tehran. Loạt động thái chỉ trích lẫn nhau giữa các bên đang khiến con đường nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran ngày càng chông gai.

Cờ của Iran trước trụ sở IAEA tại Vienna, Aó, năm 2021. (Ảnh: Reuters)
Cờ của Iran trước trụ sở IAEA tại Vienna, Aó, năm 2021. (Ảnh: Reuters)

I RAN vừa gỡ bỏ 27 camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân, bất chấp lời cảnh báo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng, động thái của Tehran có thể phá hỏng các cuộc đàm phán đang được thúc đẩy nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), vốn đang rơi vào bế tắc. Iran viện lý lẽ rằng, các camera bị ngắt kết nối không nằm trong thỏa thuận đã ký với IAEA và Tehran chỉ dừng một số biện pháp mang tính tự nguyện, trong khi vẫn tuân thủ đầy đủ mọi cam kết với IAEA.

Theo JCPOA ký năm 2015, nếu Iran thực hiện cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân thì sẽ được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, từ năm 2019, Tehran bắt đầu giảm bớt các cam kết, nhằm đáp trả việc năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump (Đ.Trăm) đã rút Washington khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt nhằm vào Tehran. Tháng 4/2021, các bên nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna của Áo nhằm hồi sinh JCPOA, hướng tới việc Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Iran quay trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận. Song, các cuộc đàm phán gần đây đình trệ bởi không ghi nhận bước tiến nào, mà chỉ thấy lời qua tiếng lại giữa các bên.

Giới phân tích cho rằng, trên thực tế, nguồn cơn của động thái ngắt kết nối camera của Iran chính là việc hôm 8/6, Hội đồng Thống đốc IAEA gồm 35 thành viên đã thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc. Trong một báo cáo, cơ quan giám sát hạt nhân này cho rằng, Iran đã không giải đáp được những nghi vấn về vật liệu hạt nhân được tìm thấy tại một số cơ sở không nằm trong danh sách mà Iran công bố trước đó. Đây cũng là lần đầu kể từ tháng 6/2020, IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran. Nghị quyết lần này do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất, trong khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phản đối.

Đáp trả nghị quyết của IAEA, Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran khẳng định, Tehran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận an toàn với IAEA, song cảnh báo về những phản ứng “kiên quyết và tương xứng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh (X.Kha-típ-da-đê) nhấn mạnh, những bên khởi xướng nghị quyết nêu trên phải chịu trách nhiệm về hành động không mang tính xây dựng. Ngay sau tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, cảnh báo đáp trả đã được Tehran thực hiện, đó chính là việc hàng chục camera giám sát các hoạt động hạt nhân bị ngắt kết nối.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi (R.Grô-xi) gọi động thái gỡ bỏ các camera giám sát của Iran là “đòn giáng mạnh” vào nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Ông Grossi cho rằng, nếu không có các camera giám sát thì IAEA không thể kết luận chương trình hạt nhân của Iran có “hòa bình” như Tehran tuyên bố hay không. Thời gian các camera này bị ngắt kết nối càng lâu, càng không có lợi cho các cuộc đàm phán.

Trong một tuyên bố chung, chính phủ Đức, Anh và Pháp, vốn là ba nước tham gia ký JCPOA năm 2015 hối thúc Iran khẩn trương hoàn tất thỏa thuận đang đàm phán. Ba nước cho rằng, một thỏa thuận có tính khả thi được đưa ra bàn thảo từ tháng 3 vừa qua, song Iran không nắm bắt cơ hội ngoại giao để ký kết thỏa thuận.

Iran vẫn khẳng định mọi biện pháp mà nước này áp dụng về mặt kỹ thuật đều có thể đảo ngược. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Khatibzadeh nhấn mạnh rằng, Iran đang hướng tới một thỏa thuận thực chất, có khả năng vận hành và được các bên ký kết. Song, điều này chỉ có thể xảy ra khi Mỹ thay đổi cách tiếp cận và thái độ đàm phán.

IAEA cho biết, chỉ còn khoảng 3-4 tuần nữa là đến thời hạn chót mà các bên đặt ra để khôi phục thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran. Rõ ràng, trong lúc này, những hành động “cơm sôi bớt lửa” mới có thể thúc đẩy các bên tiến tới thỏa thuận. Lời qua tiếng lại, chỉ trích lẫn nhau sẽ chẳng dẫn tới đâu, bởi các vòng đàm phán không thể cứ kéo dài bất tận ■

ĐINH TRƯỜNG