Đam mê nghệ thuật đất nặn

Với đôi tay khéo léo và ý tưởng sáng tạo, nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương hiện ở Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh đã biến những thỏi đất sét nhân tạo thành nhiều sản phẩm văn hóa, ứng dụng được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng. Không chỉ vậy, chị còn dành thời gian dạy miễn phí và truyền sự đam mê cho trẻ em khiếm thính tại Trường dạy nghề khuyết tật TP Hồ Chí Minh…

Nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương với các sản phẩm từ đất nặn của mình.
Nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương với các sản phẩm từ đất nặn của mình.

Là một kỹ sư nông nghiệp, nhưng sau khi tiếp cận nghệ thuật nặn đất sét (nhân tạo) của nước ngoài, chị Lan Phương đã bị chinh phục và cố công tìm kiếm các khóa học về môn nghệ thuật này. Sau nhiều năm miệt mài học hỏi, giờ đây chị đã trở thành nghệ nhân có tiếng ở TP Hồ Chí Minh về nghệ thuật đất nặn.

Chị Lan Phương nhớ lại: Vào năm 2003, khi Nhà Văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh mở khóa học đầu tiên về nghệ thuật nặn đất sét, chị là một trong những người đã đăng ký học. Sau khóa học, chị tiếp tục mày mò, nghiên cứu sáng tạo và học thêm từ một nghệ nhân đến từ Thái-lan để phát triển thêm kỹ năng. Càng học, chị càng bị cuốn hút và đã quyết định nghỉ làm để chuyên tâm theo nghề nặn hoa đất sét.

“Ban đầu tôi chỉ làm những món quà lưu niệm nho nhỏ như bông hoa, nhánh hoa, bon-sai hoặc những hình thú đơn giản. Phải mất một năm luyện tập, đến năm 2004, các sản phẩm của tôi mới bắt đầu được nhiều người biết đến”, chị Lan Phương tâm sự. Một công ty của Hàn Quốc sau đó đã tìm đến đặt hàng làm những mô hình đồ nướng xiên que xuất sang Hàn Quốc để trưng bày tại các nhà hàng, quán ăn…

Trăn trở với câu hỏi “Tại sao mình không làm mô hình ẩm thực Việt Nam?”, vậy là chị quyết định nặn mô hình 10 món ăn (ba miền) nổi tiếng của Việt Nam từ đất nặn. Sau đó không lâu, một nhà hàng nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh đã đặt chị làm các mô hình món ăn theo kích thước thật (từ đất nặn) để trang trí tại nhà hàng. Từ đó, tên chị được nhiều nhà hàng biết đến, nhiều nhà hàng của Nhật Bản, Thái-lan, Pháp cũng tìm đến chị để đặt hàng.

Chị Mai Nguyễn, một Việt kiều định cư ở Mỹ cho biết, chị đã thấy các tác phẩm đất nặn rất nhiều nhưng mô hình các món ăn Việt Nam bằng đất nặn như các tác phẩm của nghệ nhân Lan Phương mới là lần đầu. Chị không ngờ mầu sắc và sự tinh tế của món ăn lại thật đến như vậy.

Ngoài những đơn đặt hàng từ khách hàng nước ngoài, phần lớn các sản phẩm nghệ thuật đất nặn của nghệ nhân Lan Phương đều mang hơi thở Việt Nam như mai vàng, hoa đào, ao sen, mái đình, làng quê và bộ sưu tập các món ăn dân dã. Nghệ nhân Lan Phương cho biết thêm, chị đã từng mất ăn mất ngủ trong gần một tháng trời để hoàn thành tác phẩm “vườn hoa mai” nhân dịp Tết cổ truyền chỉ với mong muốn khách quốc tế có cơ hội chiêm ngưỡng nét đẹp của làng hoa Việt Nam thông qua mô hình của chị.

Không chỉ đam mê với nghệ thuật đất nặn và có được thu nhập không nhỏ từ nghề này, nghệ nhân Lan Phương còn dành thời gian dạy miễn phí cho trẻ em khiếm thính tại Trường dạy nghề khuyết tật TP Hồ Chí Minh. Chị muốn các em có được một cái nghề cho riêng mình vì theo chị, chỉ cần các em có niềm đam mê và chịu khó học hỏi, cộng thêm chút sáng tạo là các em có thể thành công.