Đắk Nông đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã

UBND tỉnh Đắk Nông đang tập trung thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách theo Quyết định số 124 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 (gọi tắt là Đề án 124) tại tỉnh Đắk Nông. Mục tiêu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ tiêu chuẩn theo quy định; đủ trình độ, bản lĩnh lãnh đạo, quản lý và thành thạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền cho cán bộ cấp xã tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Ảnh: SỸ THẮM
Lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền cho cán bộ cấp xã tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Ảnh: SỸ THẮM

Theo kế hoạch, tỉnh xác định đến hết năm 2020, có ít nhất 95% số công chức cấp xã đạt trình độ từ trung cấp trở lên; 85% số cán bộ chuyên trách đạt trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 85% số cán bộ người Kinh công tác tại các vùng dân tộc thiểu số thông thạo thứ tiếng tại địa bàn công tác và 80% số cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng - an ninh, tin học văn phòng.

Từ nay đến hết năm 2020, tỉnh Đắk Nông tăng cường triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho công chức cấp xã; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho công chức người Kinh đang công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bon và các đơn vị hành chính tương đương. Cụ thể, Sở Nội vụ được phân bổ gần 4,4 tỷ đồng để mở các lớp đào tạo cho khoảng 1.300 học viên, tập trung vào các nội dung về công tác quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã; bí thư, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bon; trưởng các thôn, bon và các đơn vị hành chính tương đương. UBND 6 huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh (gồm Tuy Đức, Cư Jút, Đắk G’Long, Krông Nô, Đắk Mil và Đắk R’Lấp) được phân bổ hơn 2 tỷ đồng để tổ chức 6 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho gần 300 cán bộ, công chức cấp xã.

* Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Bình Phước tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tinh thần đó được cụ thể hóa bằng những chủ trương, nghị quyết và các chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật là việc triển khai xây nhà ở cho người nghèo. Cấp ủy, chính quyền địa phương có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, đã thành lập ban chỉ đạo và giao trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc. MTTQ các cấp triển khai hiệu quả công tác vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ, hỗ trợ kinh phí xây nhà cho người nghèo, tích cực lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách”. Cùng với đó, tham mưu cấp ủy các cấp biện pháp giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân, bảo đảm đúng đối tượng, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh Bình Phước đã huy động được nhiều nguồn lực và phân bổ hỗ trợ xây dựng 2.509 căn nhà, tổng trị giá gần 153 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có 292 căn nhà được xây dựng, tổng trị giá hơn 18,7 tỷ đồng. Dự kiến sẽ xây dựng thêm 719 căn nhà trong năm 2020, với tổng trị giá hơn 57,5 tỷ đồng.

PV và TTXVN