Trong đó, một vấn đề rất được nhiều người quan tâm là từ năm 2015 đến nay, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh suy giảm bao nhiêu; việc xử lý tổ chức, cá nhân để mất rừng, đất rừng được lãnh đạo tỉnh thực hiện như thế nào?
Nhiều nguyên nhân suy giảm rừng
Trả lời câu hỏi này, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cho biết, về diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, trong thời gian vừa qua, việc diện tích rừng tự nhiên giảm so với giai đoạn trước được nhiều cơ quan thông tin và dư luận rất quan tâm; từ đó, các cơ quan Trung ương đã tổ chức kiểm tra, thanh tra để làm rõ, xử lý theo quy định.
Quang cảnh buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và cán bộ, công chức của tỉnh do Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức vào ngày 19/8. |
Đối với diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay giảm hơn 44.000ha, trong đó giai đoạn từ 2017-2020 là 27.460ha đã được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, thông báo tại Kết luận Thanh tra số 1858/KL-TTCP ngày 18/10/2022.
Phá rừng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua. |
Cụ thể, tổng diện tích rừng tự nhiên giảm 44.209ha, trong đó cháy rừng 53,7ha; lấn chiếm đất rừng và phá rừng là 3.551,4ha; điều chỉnh dữ liệu sai số hiện trạng là 8.172,1ha, đây là các diện tích không có rừng tự nhiên nhưng trong quá trình điều tra, rà soát chưa phù hợp và có sai số, nên được thống kê vào diện tích rừng tự nhiên, được điều chỉnh lại trạng thái theo thực tế; suy giảm diện tích và trữ lượng là 27.841,1ha.
Hầu hết diện tích này bị các tác động nhỏ, trong thời gian dài như phát luỗng các cây tái sinh, ken cây, đốt thực bì… qua nhiều năm để lấn chiếm đất sản xuất, nên từ các trạng thái rừng tự nhiên đã giảm dần trữ lượng, không đủ tiêu chí xác định là rừng…
Đối với diện tích này nếu thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi, thì sau một thời gian sẽ phục hồi lại rừng.
Chuyển mục đích sử dụng là 135,5ha; điều chỉnh ranh giới, phần chồng lấn với tỉnh Khánh Hòa, cắt trả về tỉnh Khánh Hòa là 4.455,2ha.
Hàng loạt cán bộ bị xử lý
Đối với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, từ năm 2015 đến nay toàn tỉnh đã xử lý 2.090 vụ phá rừng; 721 vụ khai thác rừng trái phép và 7.739 vụ việc khác trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như: mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép...
Liên quan đến công tác chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua đã được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, tổ chức liên tục nhiều hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng…
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện, một số đơn vị chủ rừng, kiểm lâm và các cơ quan chức năng ở huyện, xã chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng, đất rừng để xảy ra vi phạm trong thời gian dài nhưng còn lúng túng, xử lý chưa quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Theo đó, trong thời gian qua, trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đất rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp của tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, 63 cá nhân có vi phạm trong thi hành công vụ về quản lý, sử dụng đất đai, phát triển rừng.
Cụ thể, đối với lực lượng Kiểm lâm, từ năm 2019 đến nay, đã nghiêm túc xử lý kỷ luật 20 trường hợp, trong đó kỷ luật khiển trách 15 trường hợp, cảnh cáo 2 trường hợp, cách chức 2 trường hợp, buộc thôi việc 1 trường hợp; phê bình 26 tập thể và 77 cá nhân.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã kỷ luật một số cán bộ Kiểm lâm do thiếu trách nhiệm để rừng bị phá, như kỷ luật với hình thức Cảnh cáo đối với ông Y Te Bkrông, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông tại Quyết định số 43-QĐ/UBKTTU ngày 16/4/2021; kỷ luật với hình thức Khiển trách đối với ông Dương Quốc Trung, nguyên nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông tại Quyết định số 44- QĐ/UBKTTU ngày 16/4/2021…
Đắk Lắk cần có những giải pháp mạnh hơn nữa, nhất là xử lý nghiêm các cán bộ, nhân viên thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và các đối tượng phá rừng, nhằm bảo bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên quý giá còn lại hiện nay. |
Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn huyện Ea Súp gồm: Ủy ban nhân dân 4 xã Ia J’lơi, Ia Lốp, Ea Rốk, Cư Kbang; kỷ luật cảnh cáo đối với 2 lãnh đạo là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ya Tờ Mốt và Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông để xảy ra vi phạm khai thác gỗ Pơ mu trái pháp luật.
Đối với các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019 đến nay đã xem xét, xử lý trách nhiệm 98 trường hợp, trong đó khiển trách 63 trường hợp, cảnh cáo 4 trường hợp, luân chuyển 17 trường hợp, cách chức 7 trường hợp, kiểm điểm rút kinh nghiệm 7 trường hợp và 2 cá nhân là người quản lý doanh nghiệp đã bị khởi tố vì đã có sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ngoài ra, cơ quan Công an đang điều tra, khởi tố các vụ án liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam 14 bị can, trong đó có 5 bị can về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, 9 bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Ea Kar về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar đã khởi tố 37 đối tượng cư trú tại huyện Sông Hinh và một số huyện khác của tỉnh Phú Yên về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại tiểu khu 618 và 622 lâm phần do Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô quản lý.
Tòa án nhân dân huyện Ea Kar đã tuyên án đối với ông Hoàng Công Ý, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô 7 năm 6 tháng tù giam; Vương Thế Cao, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 5 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô 7 năm tù giam về tội “nhận hối lộ” trong vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại 4 Công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Chư Ma Lanh, Rừng xanh, Ea H’mơ, Ya Lốp, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các sở, ban ngành khác tiến hành điều tra, kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp thuộc lâm phần của 4 công ty lâm nghiệp này để phục vụ công tác điều tra xử lý.
Đồng thời, vụ án vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Ea Kar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; các vụ án điển hình khác như: Vụ hủy hoại rừng tại tiểu khu 18, tiểu khu 22 thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Chư Phả; vụ việc khai thác lâm sản trái pháp luật tại khu vực giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên; các vụ việc khai thác gỗ Pơ mu và các loại gỗ có giá trị khác xảy ra tại lâm phần Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Krông Bông… vẫn đang được các ngành chức năng tiến hành điều tra, xử lý.
Ngoài ra, đối với vụ hủy hoại rừng tại Tiểu khu 205, 222 xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, đã khởi tố 4 nhóm đối tượng với 28 bị can, đồng thời Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành triệu tập, đấu tranh làm rõ thêm 5 nhóm gồm 32 đối tượng có hành vi chặt phá cây rừng tại tiểu khu 205 xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp để lấy đất sản xuất.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm của các cá nhân có vi phạm khuyết điểm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận của Thanh tra Chính phủ.