Đắk Lắk sáp nhập 42 trường học

NDO -

Chiều 20/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay, sau 3 năm thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030, trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở xã vùng sâu Ea M’Droh, huyện Cư M’gar đạt chuẩn quốc gia.
Trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở xã vùng sâu Ea M’Droh, huyện Cư M’gar đạt chuẩn quốc gia.

Cụ thể, qua 3 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh đã sáp nhập được 40 trường học, đạt tỷ lệ 65,57%, trong đó có 7 trường mầm non, đạt tỷ lệ 100%; 33 trường tiểu học, đạt tỷ lệ 63,46%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn xóa bỏ được 121/184 điểm trường, đạt tỷ lệ 65,76%, trong đó mầm non có 69/122 điểm trường, đạt tỷ lệ 56,56%; tiểu học có 51/61 điểm trường, đạt tỷ lệ 83,61%; trung học cơ sở có 1/1 điểm trường, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch đề ra.

Ngoài việc sáp nhập các trường học, xóa bỏ các điểm trường thuộc danh mục của đề án, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương đã tiến hành sáp nhập một số trường ngoài danh mục hoặc thuộc giai đoạn đến 2025 để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cụ thể, sáp nhập 2 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Bông; xóa bỏ 57 điểm trường mầm non và 16 điểm trường tiểu học.

Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã sáp nhập 42 trường, gồm 7 trường mầm non, 35 trường tiểu học, đạt tỷ lệ 68,85% so với kế hoạch của đề án; xóa bỏ 196 điểm trường gồm: 128 điểm trường mầm non, 67 điểm trường tiểu học, 1 điểm trường trung học cơ sở, đạt 106,52% so với kế hoạch của đề án.

Việc sáp nhập các trường học, xóa bỏ các điểm trường đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn cơ sở giáo dục được sáp nhập, xóa bỏ; bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững; giữ vững tính ổn định về mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục-đào tạo và bảo đảm nhu cầu học tập của người dân, cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; bảo đảm tính công bằng, bình đẳng và tiết kiệm ngân sách Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Việc sáp nhập trường có quy mô nhỏ vào trường có điều kiện thuận lợi hơn ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả trường đạt chuẩn quốc gia; còn một số điểm trường cách xa trường chính 7 đến 15 km, tuy có số học sinh mỗi lớp, số học sinh mỗi điểm trường thấp nhưng bắt buộc phải duy trì các điểm trường này để bảo đảm cho học sinh đi học hằng ngày không quá xa, đặc biệt là đối với trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1, lớp 2.

Việc sáp nhập trường, lớp gây nên tình trạng dôi dư cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu, sắp xếp bố trí nhân sự của một số địa phương vẫn còn chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí cán bộ. Việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trường, sáp nhập điểm trường vào trường chính làm tăng tỷ lệ học sinh các lớp, tăng số lượng học sinh bán trú tại trường chính… gây khó khăn trong công tác tổ chức dạy học, quản lý học sinh…

Đắk Lắk sáp nhập 42 trường học -0
 Mục tiêu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk là sau khi sáp nhập phải coi trọng nâng cao chất lượng dạy học.

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên cần phải bảo đảm tính khoa học, linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ… góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và thoát nghèo một cách bền vững. Trong quá trình sắp xếp phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu và công tác nhân sự để bảo đảm quyền và lợi ích của cán bộ, giáo viên, nhân viên…

Bên cạnh đó, việc sáp nhập phải ưu tiên quyền lợi người học, tránh tình trạng máy móc, cơ học gây khó khăn cho học sinh. Sau khi sáp nhập, phải coi trọng nâng cao chất lượng dạy học, góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân thoát nghèo bền vững.