Đắk Lắk nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới

NDO - Sáng 5/9, cùng với học sinh cả nước, hơn 478.000 học sinh theo học tại 1.017 trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.
Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã về các trường học trên địa bàn dự lễ khai giảng, đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2022-2023 và động viên giáo viên, học sinh bước vào năm học mới đạt được nhiều thành tích mới.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các trường học trên địa bàn phải triển khai học trực tuyến hơn 8 tháng. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vẫn hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm học.

Hệ thống trường, lớp học và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục. Đến cuối năm học, toàn tỉnh có 1.016 trường, 15.881 lớp, nhóm lớp từ mầm non đến Trung học phổ thông với 477.179 học sinh.

Đắk Lắk nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục và Đào tạo và phát biểu động viên giáo viên, học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng trong năm học mới.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học được chuẩn hóa, đáp ứng các điều kiện đổi mới giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 36.154 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, có 95,02% cán bộ quản lý đạt trên chuẩn và 82,74% giáo viên đạt trên chuẩn.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được chú trọng, nâng cao. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn đã được khẳng định với nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục 5 năm liền dẫn đầu các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về thành tích học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia; đạt thành tích cao tại các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia khác. Toàn ngành đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; duy trì và phát triển chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về lĩnh vực giáo dục…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bước vào năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk vẫn còn tồn tại một số khó khăn như tỉnh có địa bàn rộng, có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học, dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp, xóa bỏ các điểm trường.

Đặc biệt, bước vào năm học mới 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Lắk còn thiếu 1.260 chỉ tiêu biên chế giáo viên, nhân viên sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong đó, bậc Giáo dục mầm non thiếu 671 chỉ tiêu; Giáo dục tiểu học thiếu 217 chỉ tiêu; Giáo dục trung học cơ sở thiếu 197 chỉ tiêu và Giáo dục trung học phổ thông thiếu 175 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn thiếu khoảng 500 phòng học các cấp, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh trên địa bàn…

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo”, năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đề ra các chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 56% và cuối năm 2023 đạt 58%; tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 72% vào cuối năm 2022 và đạt 74% vào cuối năm 2023…

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để giải quyết tình trạng thiếu phòng học và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong dịp hè vừa qua, toàn tỉnh đã đầu tư gần 400 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới cơ sở vật chất, trường lớp và 88 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ công tác dạy và học…

Bên cạnh đó, trong năm học mới này toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học cần thực hiện tinh thần nêu gương trong mọi hoạt động; xây dựng khối đoàn kết nội bộ, phát huy tinh thần dân chủ; tăng cường công tác chuyển đổi số; tăng cường công tác truyền thông, nhất là truyền thông nội bộ để tạo sự đồng thuận trong toàn ngành…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm việc bố trí đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk triển khai các giải pháp chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thí điểm tinh giản số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo biên chế được giao hàng năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, trên cơ sở tự chủ một phần tài chính từ nguồn thu học phí.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cấp học để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Đắk Lắk nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung tặng hoa và quà chúc mừng thầy và trò Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng bước vào năm học mới đạt được nhiều thành tích mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy nhân dân nhân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 877/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Đề án sắp xếp tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm giảm vị trí việc làm, nhất là các vị trí nhân viên ở các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ học sinh trên một lớp của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn thấp so với quy định. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần có biện pháp chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện dồn lớp, bảo đảm tỷ lệ học sinh trên lớp theo quy định tại các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường học, nhằm giảm số lớp học, từ đó giảm số lượng giáo viên làm việc ở các cơ sở giáo dục.

Giải pháp quan trọng là Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần sớm xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng kịp thời đối với giáo viên còn thiếu theo vị trí việc làm trong chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm, giao bổ sung. Việc tuyển dụng kịp thời các giáo viên còn thiếu nhằm bảo đảm việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là giáo viên ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học; giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cấp trung học phổ thông... Kế hoạch tuyển dụng giáo viên cần công khai rộng rãi, minh bạch để sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đáp ứng các tiêu chuẩn đăng ký tuyển dụng, tránh tình trạng không đủ hồ sơ dự tuyển, nhất là các môn học đặc thù hiện nay đang thiếu giáo viên nhiều.