Đối tượng được hưởng gồm Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thường trú tại Đắk Lắk, nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk được huy động tham gia sinh hoạt tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội.
Theo đó, mỗi Nghệ nhân nhân dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng, Nghệ nhân ưu tú là 1,5 triệu đồng/tháng; nghệ nhân đang sinh hoạt hằng ngày tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Cùng với mức hỗ trợ theo nghị quyết này, các đối tượng trên vẫn được hưởng các khoản hỗ trợ theo quy định.
Việc hỗ trợ sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo niềm tin, động lực để các nghệ nhân cùng nhau đoàn kết giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên.
Gia Lai có hơn 100 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới
Thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 13/2/2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2022, có 206/968 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong 5 năm, các địa phương đã huy động hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ gần 24 tỷ đồng, vốn tín dụng 43,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 153 tỷ đồng.
Người dân đã hiến hơn 400.000m2 đất ở, đất vườn và tham gia hơn 96.400 ngày công. Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và các phong trào, cuộc vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Đắk Nông tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Các sản phẩm OCOP của Đắk Nông hiện đã có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế. |
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông được cơ cấu lại theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị.
Hiện toàn tỉnh có 73.000ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, tổng sản lượng hơn 300 nghìn tấn; 1.300ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tỉnh đã cấp phép cho 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, với công suất mỗi năm là 28 nghìn tấn hồ tiêu, 11,4 nghìn tấn điều, 235 nghìn tấn cà-phê nhân và 3.805 tấn cà-phê bột… đóng góp 70% giá trị xuất khẩu hằng năm.
Toàn tỉnh có 60 sản phẩm OCOP của 54 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận. Trong đó, bảy sản phẩm 4 sao, 53 sản phẩm 3 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đáp ứng tốt yêu cầu người tiêu dùng.
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum vừa phối hợp Dự án Plan tổ chức hội thảo chia sẻ và bàn giải pháp về “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại 13 trường mầm non vùng Dự án Plan tại huyện Kon Plông và Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum; chia sẻ các nội dung hoạt động, mô hình, cách thức triển khai, kết quả đạt được cũng như các khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục mầm non.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cung cấp thông tin rà soát các tiêu chí thực hiện tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ và kết quả thu thập thông tin ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tại các xã trên địa bàn tỉnh; từ đó đề xuất giải pháp, định hướng bảo đảm việc tăng cường tiếng Việt có hiệu quả cho trẻ mầm non.