Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tướng văn võ song toàn

NDO -

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh đầu tiên, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những huyền thoại của lịch sử hiện đại Việt Nam ở thế kỷ XX. Tên tuổi của ông đã gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước; đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975). Nhiều chính khách, tướng lĩnh, học giả trên thế giới coi ông là “một thiên tài quân sự”; “vị tướng huyền thoại”; “vị tướng kiệt xuất”… vì ông là “vị tướng văn võ song toàn”.

Đồng bào các dân tộc tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 2004. (Ảnh tư liệu)
Đồng bào các dân tộc tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 2004. (Ảnh tư liệu)

“Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư duy và tài năng quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới của thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học và đúc kết được những tinh hoa quân sự đặc sắc của các bậc tiền bối để làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đánh thắng 2 đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nên tướng Mỹ Westmoreland từng thốt lên: Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà tôi chưa từng gặp.

Cecil B. Curry, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự hiện đại có tên tuổi của Mỹ, đã viết cuốn sách "Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”, xuất bản ở Mỹ năm 1997 trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến lược chiến tranh của chúng tôi không phải chỉ liên quan đến những công việc thuần túy quân sự. Chiến tranh phải là một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Chúng tôi tập trung lực lượng ở vùng này hay vùng khác tùy thuộc vào điều kiện chính trị chiếm ưu thế từng thời kỳ trong từng giai đoạn. Điều này là một nguyên tắc chiến lược rất quan trọng để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện…”.

Hơn 30 năm chỉ huy quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến cho 10 danh tướng của Pháp, của Mỹ mắc sai lầm về chiến lược và thua trận, trong đó có 7 đại tướng Pháp: Philippe Leclerc, Etienne Valluy, C.Blaizot, M.Carpentier, Delattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre và 3 đại tướng Mỹ: Westmoreland, C.Abrams và F.C.Weyand. Đây chính là lý do khi được hỏi vì sao Tướng Giáp được phong thẳng lên Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời vì Tướng Giáp đã đánh bại nhiều tướng tài của các cường quốc trong lịch sử xâm lược Việt Nam.

Tướng Peter Mac Donald, một nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, nhận định: Trong giai đoạn 1944-1975, cuộc đời của Tướng Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông Giáp trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Đó chính là lý do mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được gọi bằng một cái tên khác là “Napoleon Đỏ”, nhằm nói lên tài năng quân sự kiệt xuất của ông giống như thiên tài quân sự Napoleon Bonaparte, nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu.

Quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự chiến lược hơn người, đó chính là điểm nổi bật của Tướng Giáp. Đối với Tướng Giáp, trí tuệ và bản lĩnh khác thường đó được thể hiện rất rõ nét trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Người đứng đầu Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng D.Castries nhận định: Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương... Là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi đã làm tất cả những gì để bảo vệ nó suốt 56 ngày đêm trước áp lực ghê gớm của quân đội Tướng Giáp, có thể nói tôi đã làm hết sức mình trên chiến trường, còn thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi thừa nhận đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và Đại tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông.

“Vị  tướng văn võ song toàn”

Sau khi ông từ trần, ngay trong đêm, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin Đại tướng trên vị trí nổi bật. Bloomberg dẫn lời Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học và là tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhận xét: Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối.

Tân Hoa xã ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng, là một huyền thoại ở Việt Nam. "Ông được người dân Việt Nam tôn kính", hãng thông tấn Trung Quốc đánh giá. Trong khi đó, hãng thông tấn Mỹ AP cho hay Tướng Giáp nổi lên: Là một lãnh đạo của đội quân áo vải, gồm những du kích quân đi dép xăng đan làm từ lốp xe, kéo từng cỗ pháo qua những ngọn núi để bao vây và tiêu diệt quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Hơn 30 năm cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là Tổng Tư lệnh, Bí thư Tổng Quân ủy sau này là Quân ủy Trung ương, ông đã trực tiếp chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân chiến đấu lập chiến công oanh liệt, nhiều thành tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến 30 năm đánh thắng 2 đế quốc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tướng văn võ song toàn -0
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại những chiến sĩ của mình nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 13/3/2004. (Ảnh: TTXVN) 

Ông là một vị tướng hầu như được toàn quân tuyệt đối tin tưởng, kính trọng, yêu mến. Tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng ca ngợi ông là “vị tướng văn võ song toàn”, “nhà chiến lược thiên tài, nhà quân sự lỗi lạc”, “vị tướng huyền thoại”, “vị tướng kiệt xuất”, “Là tướng của các vị tướng, tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, “Là vị Tổng Tư lệnh không phạm sai lầm trong chiến lược, chiến thuật”. Có vị tướng cho rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực chất là Đại nguyên soái thời đại Hồ Chí Minh. Ông là người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông là vị tướng được đồng bào, đồng chí trong cả nước quý trọng, tin tưởng, biết ơn. Trong nhiều năm qua, khi đã về nghỉ, cứ đến ngày lễ, ngày Tết, sinh nhật, đông đảo đồng bào, đồng chí đã đến thăm, chúc mừng ông. Ông là một vị tướng của nhân dân. Ông cũng là một vị tướng được đông đảo bạn bè quốc tế kính phục. Nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam đã đến tận nhà thăm ông. Nhiều chính khách, nhiều nhà khoa học, sử học, nhà quân sự nhiều nước, kể cả các tướng lĩnh là đối phương trước đây đều khâm phục. Có nhiều tác phẩm viết về ông, coi ông “là vị tướng huyền thoại”, “một vị tướng vĩ đại”, “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20”, “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại"...

Ông là vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới, không chỉ vì tài năng và sự nghiệp Ông đã cống hiến mà còn vì phẩm chất đạo đức trong sáng. Phẩm chất cao quý nhất của ông là đã hết lòng yêu nước, thương dân, “dĩ công vi thượng”, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Ông sống khiêm nhường, bao dung, độ lượng, lắng nghe ý kiến, dân chủ bàn bạc, chan hòa, gần gũi, thương yêu cán bộ, chiến sĩ, tôn trọng nhân dân, quan tâm đến gia đình, bạn bè, đồng chí. Ông sống trọng nhân nghĩa, trung thực, liêm khiết và gương mẫu.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, về lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, về kiên định đường lối cách mạng, tinh thần cách mạng triệt để. Giao cho ông việc Võ, nhưng Người vẫn gọi ông là Văn, đúng như đánh giá của một cựu chiến binh từng là “Bộ đội Cụ Hồ”, khái quát: “Văn lo vận nước văn thành Võ. Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”.