Bộ phim do Công ty CP Không gian văn hóa Việt Media sản xuất, các tác giả kịch bản và chủ đầu tư là TS Phạm Xuân Mừng, Trần Đình Tuấn, Lương Xuân Trường và Nguyễn Văn Đức, đạo diễn Nguyễn Văn Đức thực hiện. Phim quy tụ nhiều diễn viên đình đám của phim truyền hình và điện ảnh hiện nay, như diễn viên trẻ Sỹ Hưng vai Nguyễn Du khi trưởng thành, NSƯT Hồ Phong vai Tể tướng Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du), NSƯT Thu Hằng vai mẹ cả của Nguyễn Du, nghệ sĩ Thiện Tùng vai Đoàn Nguyễn Tuấn, anh vợ của Nguyễn Du, NSƯT Tạ Tuấn Minh vai Tể tướng Nguyễn Khán (anh của Nguyễn Du), NSƯT Quách Thông vai chúa Trịnh Sâm…
Bộ phim có thời lượng 180 phút, gồm ba phần: “Gia thế và tuổi thơ” (1765-1780), “Mười năm gió bụi” (1780-1796) và “Nghiệp văn và quan trường” (1796-1820).
TS Phạm Xuân Mừng cho biết, đây là bộ phim đầu tiên xây dựng theo thể loại phim tài liệu dàn dựng có diễn viên diễn xuất, khác biệt so với phần lớn các phim tài liệu trước đây. Phim đề cao vai trò của văn hóa, trong đó văn hóa gia đình, văn hóa dòng tộc trong việc hình thành, phát triển tính cách của Nguyễn Du.
“Để xây dựng được nhân vật Nguyễn Du với đầy đủ con người, sự nghiệp, lý giải sự hình thành tài năng của ông qua văn hóa truyền thống Việt, những yếu tố văn hóa dòng họ, giáo dục gia đình… thì thể loại phim truyện có kinh phí rất lớn và khó thực hiện. Do đó, đoàn làm phim lựa chọn thể loại phim tài liệu có diễn viên diễn xuất và thông qua các lớp cắt lát chính, các sự kiện niên biểu của cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du cùng các sự kiện lịch sử để xây dựng cốt truyện”, TS Phạm Xuân Mừng chia sẻ.
Phim cũng sử dụng thủ pháp lồng “truyện trong truyện”, với hai hệ thống nhân vật gồm các nhân vật liên quan đến đại thi hào Nguyễn Du, và các nhân vật trong Truyện Kiều qua hình dung, suy nghĩ của ông, và trong các tương tác với ông. Thông qua những lát cắt lịch sử của ba triều đại Lê – Trịnh, Tây Sơn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn, phim tái tạo sống động cuộc đời của Nguyễn Du từ khi mới chào đời cho đến khi ông ra làm quan cho nhà Nguyễn và đến khi tạ thế. Phim cũng tái hiện những tình cảm của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Đồng tác giả kịch bản, chủ biên Trần Đình Tuấn cho biết, phim khắc sâu về văn hóa dòng họ, cho nên ê kíp làm phim rất thận trọng trong việc tìm kiếm và sử dụng tư liệu. Ông cho biết, đoàn làm phim đã may mắn tìm được nhiều tài liệu, tư liệu quý, thí dụ như bản “Gia huấn ca” của dòng họ Nguyễn…
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức chia sẻ, trong bộ phim, khó nhất chính là chọn diễn viên, bởi vì các diễn viên ở những lứa tuổi khác nhau nhưng phải giữ được mạch của nhân vật Nguyễn Du từ khi ấu thơ cho đến khi mất. “Gần hai năm chúng tôi mới chọn được diễn viên” – ông nói.
Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cũng cho hay, ê kíp làm phim có ý tưởng thực hiện theo thể loại phim tài liệu truyện, là thể loại mà ông đã được học và trải nghiệm ở Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Nga (VGIK). Hình thức làm phim này không xa lạ trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Thể loại phim này đòi hỏi hình ảnh, cốt truyện, lời thuyết minh, bình luận phải hòa quyện chặt chẽ như các sợi dây bện nên một sợi dây thừng. Về nguyên tắc, phim tài liệu phải bảo đảm tính khách quan, trung thực.
Một mặt, phim tuân thủ theo thể loại tài liệu quen thuộc là có lời bình, phỏng vấn, hình ảnh minh họa... Mặt khác, phim sáng tạo ngay trên nền cốt sự thật, có cốt truyện, nhân vật... với mục đích tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, sức hấp dẫn, chạm đến trái tim người xem. Việc lựa chọn thể loại mới này cũng đem lại sự khác lạ của phim so với chính những phim tài liệu trước đây về đại thi hào Nguyễn Du.
Được biết, phim vừa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến, và sẽ ra mắt công chúng vào dịp Liên hoan phim Việt Nam 2021 tại Huế. Mong muốn của các nhà làm phim là “Đại thi hào Nguyễn Du” sẽ là một tài liệu tham khảo có giá trị ở trong hệ thống các trường học.