Tại đại hội, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ VI, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 7 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; báo cáo kiểm điểm công tác điều hành của Hội đồng Hiệp hội Nhiệm kỳ 6; báo cáo tổng kết hoạt động tài chính nhiệm kỳ 6; bầu các thành viên Hội đồng Hiệp hội nhiệm kỳ 7.
Nhiệm kỳ 6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đồng hành cùng các tổ chức hội viên, nỗ lực hoạt động, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra, Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ 6 đã có một nhiệm kỳ thành công tốt đẹp, các hoạt động chính đều được triển khai đồng bộ, tích cực, đem lại những kết quả đáng khích lệ, ghi lại những dấu ấn đặc biệt, nổi bật như:
Tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, thực hiện tốt vai trò liên kết hội viên, tăng cường công tác đào tạo; hỗ trợ tích cực cho tổ chức hội viên giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ phiên bản điện tử ra đời và hoạt động hiệu quả; tổ chức thành công Hội nghị thường niên Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 tại Đà Nẵng; kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; kết nạp được thêm 27 tổ chức hội viên mới, đưa tổng số hội viên lên 73 tổ chức, ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng…
Vai trò, vị thế và uy tín của Hiệp Hội Ngân hàng được nâng cao. Công tác truyền thông của Hiệp hội cũng được đẩy mạnh, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ việc thông tin, tuyên truyền và vận động hội viên, góp phần đắc lực vào công tác truyền thông chung của ngành Ngân hàng.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ 6 Phan Đức Tú cho biết, trong nhiệm kỳ qua, nhiều việc mới, trọng tâm mang tính nền tảng đã được triển khai; vai trò và uy tín của Hiệp hội ngày càng được nâng lên, được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các tổ chức Hiệp hội, Định chế tài chính trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao.
“Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, với vai trò cần có và với kỳ vọng của các tổ chức hội viên, thì Hiệp hội còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy, nhiệm vụ của Đại hội kỳ này phải đánh giá đầy đủ những mặt được, những hạn chế trong hoạt động nhiệm kỳ 6, thảo luận đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 7, xây dựng Hiệp hội hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bảo vệ tốt nhất quyền lợi của hội viên; nâng cao uy tín của Hiệp hội trong cộng đồng xã hội ở Việt Nam và trong khu vực”, ông Phan Đức Tú nêu rõ.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đại diện lãnh đạo NHNN và Bộ Nội vụ đề nghị Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cần bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tình hình hoạt động của các tổ chức hội viên, phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 6, khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình, đem lại những lợi ích thiết thực cho các tổ chức hội viên, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng trong tình hình mới.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, nhiệm kỳ 7, Hiêp Hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác vận động các tổ chức hội viên quán triệt và tích cực hưởng ứng, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành.
“Cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham vấn về mặt chính sách, đặc biệt các chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đây là một trong những vai trò rất quan trọng của Hiệp hội”, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của NHNN tới các tổ chức hội viên để từ đó, các hội viên có thể hiểu và thực hiện chính sách tốt hơn. Cần phát huy hơn nữa vai trò là đầu mối tổng hợp các vướng mắc của tổ chức hội viên và đề xuất các kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và đặc biệt có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức hội viên. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về hoạt động của ngành ngân hàng.
Tại đại hội, các đại biểu đã thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 7. Đại hội đã bầu Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ 7 với 13 thành viên, trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đảm nhiệm chức vụ ngân hàng Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ 7.
Tại phiên họp thứ nhất Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ 7, hội đồng đã bầu ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank là Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ 7; và ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế- NHNN, làm Tổng Thư ký.
VNBA hiện có 73 tổ chức hội viên, bao gồm 58 hội viên chính thức, 10 hội viên liên kết và 5 hội viên danh dự; trong đó có 40 ngân hàng thương mại, 11 công ty tài chính, 4 định chế tài chính khác, 13 công ty Fintech và 5 tổ chức khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, giữ ví trí chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản xã hội rất lớn với tổng tài sản đến nay chiếm gần 90% toàn ngành (hơn 11,6 triệu tỷ đồng), vốn điều lệ chiếm 82% toàn ngành (515 nghìn tỷ đồng).
VNBA là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN kể từ năm 1995, đối tác của Hiệp hội Ngân hàng châu Á và có quan hệ hợp tác với nhiều Hiệp hội Ngân hàng các nước như Hiệp hội Ngân hàng Nga, Italia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín.