Hơn 1/3 số ca tử vong được ghi nhận tại ba quốc gia Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Với hơn 606.000 ca tử vong, Mỹ là quốc gia có nhiều trường hợp chết do Covid-19 nhất, chiếm 15% số ca tử vong trên toàn cầu. Tiếp đến là Brazil và Ấn Độ.
Theo Đại học Johns Hopkins, trung bình 7.900 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua, ít hơn 46% so với mức 14.700 ca/ngày trong giai đoạn đỉnh dịch vào tháng 1-2021, nhưng cao hơn 57% so với mức 5.000 ca/ngày cùng kỳ năm ngoái.
Số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu vượt mốc 1 triệu vào ngày 18/9/2020, tức là 191 ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố sự bùng phát của virus corona chủng mới là đại dịch toàn cầu. Số ca tử vong đã cán mốc 2 triệu sau 115 ngày, lên 3 triệu sau 88 ngày, và sau 89 ngày tiếp theo thì vượt mốc 4 triệu.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, số người chết do Covid-19 tương đương số người thiệt mạng trong tất cả các cuộc chiến trên thế giới kể từ năm 1982.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 cao gấp ba lần số ca tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu hằng năm.
Do những khó khăn trong việc truy vết chính xác sự lây lan của virus, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng số ca tử vong do Covid-9 trên toàn cầu có thể cao hơn nhiều so với số liệu được báo cáo.
Thế giới vượt mốc 4 triệu ca tử vong do Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong giảm mạnh tại Mỹ và châu Âu, nơi nhiều người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, một số quốc gia đang phát triển, trong đó có Indonesia, đang đối mặt với đợt bùng phát dữ dội. Nhà chức trách của những nước này đang tìm cách bảo đảm có đủ vaccine để tiêm cho người dân.
Theo đánh giá của Fox News, cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng giống cuộc chạy đua giữa vaccine và biến thể Delta.
Delta, biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn và nguy hiểm hơn so với chủng ban đầu, đang là một trong những nhân tố làm tăng số ca mắc mới tại một số quốc gia và khu vực.
Một số quốc gia đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong khi nhà chức trách chạy đua với thời gian để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Delta được phát hiện trong 50% trường hợp mắc mới tại nước này.
Trong tuyên bố ngày 7/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres dự báo đại dịch Covid-19 “còn lâu mới kết thúc”. Ông đồng thời cảnh báo nếu virus gây Covid-19 tiếp tục lây lan, các biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn, dễ gây chết người hơn có thể xuất hiện, làm giảm hiệu quả của các loại vaccine đang được sử dụng.
“Các loại vaccine mang đến tia hy vọng, nhưng phần lớn thế giới vẫn đang trong bóng tối. Virus lây lan nhanh hơn tốc độ phân phối vaccine”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói. Ông kêu gọi cần có kế hoạch toàn cầu nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng và giải quyết tâm lý do dự tiêm chủng.