Sáng 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Đây là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2024. Tuy nhiên, ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tình hình dịch Covid-19 đã làm gián đoạn việc triển khai dự án trong 2 năm.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, dự án có diện tích rừng phải chuyển đổi là tương đối lớn, việc điều tra, đánh giá hiện trạng rừng đòi hỏi nhiều thời gian nên tiến độ dự án bị chậm; thêm vào đó, do trượt giá nguyên vật liệu xây dựng, nhân công và nhiều chi phí phát sinh khác như tăng chi phí về trồng rừng thay thế, giải phóng mặt bằng, xây lắp…
Nhất trí điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu K’Nhiễu (đoàn Lâm Đồng) đồng tình với báo cáo thẩm tra cho rằng việc triển khai dự án chậm gần ba năm so với Nghị quyết số 93 của Quốc hội khóa XIV, ngoài một phần do nguyên nhân chủ quan thì phần lớn là do nguyên nhân khách quan.
Đại biểu K’Nhiễu nhấn mạnh sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Trong đó nhấn mạnh, thời điểm triển khai dự án là thời điểm cả nước cũng như tỉnh Ninh Thuận đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch.
Theo đại biểu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng gay gắt, hạn hán thường xuyên, nguồn nước khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của dân thì việc quan tâm đầu tư xây dựng một công trình kỹ thuật phục vụ nước sản xuất, nước tưới cho vùng nông nghiệp, nước thô cho các khu công nghiệp, phòng, chống lũ, cải tạo môi trường và hồ chứa nước cho vùng hạ du là một việc làm hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đối với người dân vùng hạn hán.
Trên cơ sở đó, đại biểu tán thành việc bổ sung cơ chế đặc thù để triển khai dự án Hồ chứa nước Ka Pét, giao UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.
“Việc này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng sự cần thiết đầu tư dự án”, đại biểu đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh.
Đồng tình với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng với một địa phương ở khu vực Nam Trung Bộ thời tiết luôn khô hạn như Bình Thuận, triển khai xây dựng hồ chứa nước sẽ bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lũ, cải tạo môi trường…
Cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2025
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, Bình Thuận được biết đến là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra với mức độ hạn hán ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Qua quá trình giám sát ở địa phương và các nội dung tham gia thảo luận tại hội trường, là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ cảm kích sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, đồng thời thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng số vốn dự kiến điều chỉnh là hơn 874 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhất trí với đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2025. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Để triển khai có hiệu quả dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2025, chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 93.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan. Đặc biệt, nội dung điều chỉnh có liên quan đến phương án trồng rừng thay thế nên việc trình Quốc hội xem xét, quyết định là cần thiết.
“Có như vậy mới bảo đảm thận trọng hơn, xem xét một cách thấu đáo hơn để chỉ khi nào cần thiết, cấp thiết lắm mới đụng đến rừng”, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ ủng hộ việc trình Quốc hội xem xét, quyết định cũng như nội dung về điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2025. Đồng thời, để đề phòng dự án có khả năng kéo dài hơn nữa, đại biểu đề nghị thực hiện cơ chế xét đặc thù là Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.