Đặc sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc

NDO -

NDĐT - Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ chín với sự tham gia của mười tỉnh đang diễn ra tại TP Bắc Cạn với chủ đề “Đông Bắc - Hội tụ, đoàn kết và phát triển” mang đến nét văn hóa đặc trưng, cốt lõi của các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn.

Lễ Tết nhảy của đồng bào Dao đỏ.
Lễ Tết nhảy của đồng bào Dao đỏ.

Tối 10-9, Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ chín diễn ra hoành tráng, trang trọng, gồm ba chương: Đông Bắc - Một vùng văn hóa; Đông Bắc hội tụ và Đông Bắc đoàn kết, phát triển đã mang đến cho công chúng những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc nhất của mười tỉnh vùng Đông Bắc; để lại dấu ấn sâu đậm về một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hội tụ di sản văn hóa đặc sắc và đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Đây là hoạt động chính trị, văn hóa của mười tỉnh vùng Đông Bắc, nhằm bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ, nghệ nhân trong vùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của mỗi tỉnh, mỗi dân tộc.

Các hoạt động tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần này, như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc vùng Đông Bắc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn nghi lễ sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu; Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; trưng bày, giới thiệu ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc; triển lãm di sản văn hoá... đã tạo nên một không gian lễ hội vừa rộn ràng nao nức, vừa đậm đà bản sắc các dân tộc anh em.

Vùng Đông Bắc có gần 30 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, trong quá trình lao động, sản xuất, đời sống, mỗi dân tộc đều có trang phục riêng rực rỡ sắc màu và đã sản sinh ra những nét văn hoá đặc sắc, sinh hoạt tín ngưỡng riêng với mong muốn hướng tới chân, thiện, mỹ và những điều tốt đẹp nhất. Những nét văn hóa đặc sắc ấy được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đời sống vật chất có thể còn chưa được như mong muốn, nhưng đời sống tinh thần như các nghi lễ trong cưới hỏi, cấp sắc, tín ngưỡng... thì không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc. Bên cạnh những nghệ nhân cao tuổi, có những thanh niên dân tộc thiểu số với những bộ trang phục truyền thống tham gia các hoạt động văn hóa dân gian thể hiện sự trao truyền, sức sống lâu bền của những nét văn hóa đặc sắc.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đức Hậu cho biết: “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc là hoạt động được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh Đông Bắc tổ chức thường niên để các dân tộc trong vùng giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân, nghệ sĩ”.

“Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của các dân tộc anh em”- ông Hậu khẳng định.

Đặc sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc ảnh 1

Đám cưới của người Dao đỏ.

Đặc sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc ảnh 2

Sự tích Khèn Mông và lễ hội Khèn của đồng bào dân tộc Mông.