Trong đó có khoảng 6.900 đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) là người dân tộc thiểu số (DTTS), được xác định là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, nhưng trình độ văn hóa còn thấp, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế..., vì vậy, thời gian qua tỉnh Ðác Nông đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này.
Được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, trong những năm qua, tỉnh Ðác Nông đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức định canh định cư, khai hoang ruộng đất, mở rộng diện tích canh tác và triển khai các chương trình về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp với quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới có hiệu quả nên đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới nói chung, lực lượng thanh niên đồng bào DTTS nói riêng đã được nâng lên đáng kể. Lực lượng thanh niên có những bước trưởng thành, tích cực học tập nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức chính trị tư tưởng, pháp luật, phát huy tốt vai trò xung kích trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội ở từng địa bàn thôn, buôn, bon...
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh thì thanh niên dân tộc ở khu vực biên giới vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi cả về đời sống vật chất và tinh thần; tỷ lệ thanh niên có trình độ văn hóa còn thấp, mới có hơn 400 ÐVTN học hết THPT, hơn 2.700 ÐVTN học hết THCS. Do đó, năng lực hoạt động và tư duy sáng tạo còn thụ động, nhận thức về mọi mặt, nhất là hiểu biết về pháp luật còn hạn chế... Chính điều này mà trong thời gian qua, một bộ phận thanh niên bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, kích động tham gia gây rối an ninh trật tự, vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia; tham gia vào các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, ma túy, gây rối an ninh - trật tự... làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội ở Ðác Nông còn nhiều diễn biến phức tạp.
Từng bước nâng cao trình độ văn hóa cũng như nhận thức tư tưởng chính trị cho lực lượng ÐVTN người DTTS ở khu vực biên giới, nhất là sự hiểu biết về pháp luật, năm 2005 bộ đội Biên phòng tỉnh Ðác Nông đã triển khai thực hiện Tiểu đề án "Giáo dục pháp luật cho thanh niên, đồng bào DTTS cư trú trong khu vực biên giới". Qua hơn ba năm thực hiện Tiểu đề án, được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia phối hợp nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ðoàn thanh niên các cấp cùng với sự nỗ lực của các đồn Biên phòng đứng chân trên khu vực biên giới, nên công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên đồng bào DTTS cư trú trong khu vực biên giới đã đạt được những kết quả quan trọng. Các đồn Biên phòng thường xuyên kết hợp với cấp ủy, chính quyền, Ðoàn thanh niên ở địa phương tổ chức tuyên truyền, học tập nội dung các bộ luật như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống ma túy, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông đường bộ... cho thanh niên dân tộc cư trú trong khu vực biên giới. Trong đó tuyên truyền, học tập tập trung được 16 đợt với hơn 3.000 ÐVTN thuộc địa bàn hai xã trọng điểm là xã Thuận An, huyện Ðác Min và xã Quảng Trực, huyện Tuy Ðức; tuyên truyền, phổ biến lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể của bảy xã biên giới được 65 buổi, thu hút hơn 1.000 ÐVTN tham dự; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh được 95 giờ. Các đồn Biên phòng 761, 767, 769 đã phối hợp với Ðoàn Thanh niên xã Thuận An, Quảng Trực và Ðác Búc So tổ chức bốn đợt thi tìm hiểu pháp luật thu hút 500 ÐVTN tham dự. Ngoài ra, thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao nhân các ngày lễ, kỷ niệm và các đội công tác vận động quần chúng ở các buôn, bon, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến với đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên người DTTS.
Đánh giá về hiệu quả của Tiểu đề án, Ðại tá, Chính ủy Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Ðác Nông Lê Văn Huệ khẳng định: Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của lực lượng bộ đội Biên phòng và Ðoàn Thanh niên các huyện, xã biên giới đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức và hiểu biết pháp luật của quần chúng nhân dân các xã biên giới nói chung, lực lượng ÐVTN dân tộc thiểu số nói riêng. Ðến nay, đại bộ phận nhân dân sinh sống trong khu vực biên giới đều gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới, yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống về mọi mặt. Nhờ đó, trong thời gian qua, các vụ việc vi phạm quy chế biên giới giảm đáng kể, 100% số thanh niên đến độ tuổi quy định đều đăng ký khám tuyển nghĩa vụ quân sự và phấn khởi lên đường khi có lệnh gọi nhập ngũ. Tỷ lệ các gia đình trẻ sinh đông con, các cặp vợ chồng ly hôn, hiện tượng tảo hôn... đều giảm so với trước đây; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Lực lượng ÐVTN còn phát huy tốt vai trò xung kích, tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu...
Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ðác Búc So, huyện Tuy Ðức, Vũ Văn Khê cho biết: "Ðác Búc So là một xã biên giới, toàn xã có 10 thôn, buôn, trong đó có hai buôn đồng bào DTTS là Bu N'rung và Bu Boong với 120 hộ, 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc M'nông. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên trong năm 2001 và 2004, một số thanh niên bị kẻ xấu lừa phỉnh, xúi giục vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia. Sau một thời gian sống trong trại tị nạn ở Cam-pu-chia, cuộc sống quá cực khổ, lúc này họ mới nhận ra mình bị lừa gạt nên đã có chín đối tượng quay trở về. Ðược sự khoan hồng của Ðảng, Nhà nước và sự động viên, đùm bọc của bà con buôn làng, sự vào cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ đội Biên phòng Ðác Nông và của Ðoàn Thanh niên các cấp, đến nay các đối tượng lầm đường lạc lối trở về cũng như ÐVTN là người DTTS trong xã đã hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, yên tâm chăm lo làm ăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp. Từ năm 2005 đến nay, xã không có người nào vượt biên và tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội luôn ổn định". Không chỉ riêng xã Ðác Búc So, mà tại các xã biên giới của Ðác Nông là Quảng Trực (huyện Tuy Ðức); Thuận Hà, Thuận Hạnh (huyện Ðác Song); Thuận An, Ðác Lao (huyện Ðác Min), Ðác Wil (huyện Cư Giút), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, của ÐVTN dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội luôn được giữ vững, người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Ðảng, chăm lo phát triển kinh tế và cùng với Bộ đội Biên phòng xây dựng khu vực biên giới bình yên và phát triển.
Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ