Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì chương trình đối thoại.
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và trên trang thông tin của Cổng Thông tin điện tử thành phố và Đài phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng để cử tri theo dõi, gửi ý kiến, kiến nghị qua số điện thoại đường dây nóng của HĐND thành phố hoặc Cổng Thông tin điện tử thành phố.
Các ý kiến tập trung phản ánh tình trạng người lao động mất việc làm, doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chính phủ, Trung ương và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ an sinh xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa được hỗ trợ. Một số chính sách hỗ trợ triển khai chưa đồng đều, chưa thống nhất, dẫn đến người dân thắc mắc, bức xúc, thậm chí khiếu nại.
Cử tri Thiệu Quang Long, ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn nêu ý kiến: “Các đối tượng hỗ trợ theo Quyết định 135 của thành phố chưa bao quát hết, chỉ mới một nhóm đối tượng. Thời gian đến thành phố cần tiếp tục hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động và mở rộng hỗ trợ đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch bệnh”.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, qua rà soát còn 37.500 hộ dân chưa nhận gói hỗ trợ 500 nghìn đồng mỗi hộ của thành phố, kinh phí gần 19 tỷ đồng. Thành phố còn khoảng 69.200 đối tượng là người lao động thợ hồ, sửa xe, ngư dân… bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa được hỗ trợ.
Cử tri Phạm Bắc Bình, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng nêu ý kiến: Trong Hội nghị đối thoại với Doanh nghiệp ngày 24/9 vừa qua, chính quyền Đà Nẵng đã đưa ra “Kịch bản hỗ trợ Doanh nghiệp để phục hồi kinh tế” với các giải pháp như hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng tại Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ thông tin tập trung, nhưng các doanh nghiệp thuê đất trong các KCN mà chủ đầu tư là các Công ty khai thác hạ tầng KCN lại không thể tiếp cận với chính sách này.
Thành phố cũng cần hướng dẫn cụ thể đối với một loạt chính sách, như hỗ trợ 30% lãi suất đối với các khoản vay tín dụng, vốn lưu động cho các doanh nghiệp có khoản vay ở các ngân hàng thương mại; hỗ trợ 30% chi phí xét nghiệm theo kế hoạch của thành phố; vay trả lương cho lao động ngừng việc; hỗ trợ 6 tháng tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tái hoạt động, sản xuất kinh doanh từ Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng; hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, phải chấm dứt Hợp đồng lao động và nghỉ không lương: 1,5 triệu đồng/người; hỗ trợ HTX và hộ kinh doanh 3 triệu đồng/đơn vị; hỗ trợ tiêm vaccine và 6 tháng tiền thuê tại các khu nhà ở công nhân.
Cử tri Phạm Bắc Bình cũng đề nghị thành phố xây dựng “Bộ tiêu chí cụ thể hay Kế hoạch ứng phó với diễn biến với dịch gắn liền với hoạt động doanh nghiệp” để doanh nghiệp theo dõi và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, khi thành phố mở cửa hoạt động.
Cùng chung kiến nghị, ông Cao Trí Dũng, đại diện Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng nêu ý kiến: thành phố cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để khôi phục và phát triển du lịch trước mắt cũng như lâu dài, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng sức bền ứng phó trước thiên tai, dịch bệnh.
Giải đáp những kiến nghị, thắc mắc, đề xuất của cử tri, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, cho biết, thời gian qua, bằng nhiều nguồn khác nhau của Trung ương, ngân sách thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đã hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
Mặc dù còn khó khăn, bất cập, chưa đầy đủ… nhưng nhìn chung các chính sách của thành phố đã đến được với người dân bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian vừa qua. Tới đây thành phố cũng sẽ hỗ trợ cho những đối tượng còn lại. Những người nào chưa nhận hỗ trợ hoặc đã nhận rồi mà còn khó khăn sẽ xem xét tiếp tục hỗ trợ.
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết thẳng thắn nhìn nhận: Những phản ánh, kiến nghị của cử tri rất sát thực tế, phản ánh đúng tình hình đang diễn ra ở các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành có trả lời trực tiếp cho cử tri để cử tri có được câu trả lời đầy đủ, cụ thể. Qua cử tri để giải thích, tuyên truyền cho các cử tri khác để hiểu thêm về các chính sách của thành phố.
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai, tham mưu, tiến độ càng nhanh càng tốt để doanh nghiệp được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố. Đồng thời, hoàn thiện 5/13 chính sách mà HĐND thành phố đã ban hành và triển khai trên thực tế chưa hiệu quả thì sớm hoàn thiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận và thụ hưởng chính sách.
Các cấp chính quyền thành phố cần tăng cường tuyên truyền, triển khai nhất quán, đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của thành phố đối với doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trình HĐND thành phố tại Kỳ họp cuối năm 2021. Đồng thời, UBND thành phố đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, điều kiện kinh doanh, cắt giảm các quy định không cần thiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Về du lịch, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng ngành du lịch cần xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch theo từng giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, bám sát kế hoạch phục hồi kinh tế tổng thể của thành phố, chuẩn bị sẵn kế hoạch kích cầu du lịch. Tập trung duy trì tốt công tác phòng, chống dịch gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá điểm đến Đà Nẵng là điểm đến “An toàn - Hấp dẫn”; xác định công tác tiêm vaccine là chìa khóa và là đòn bẩy để khôi phục du lịch. Tiếp tục hoàn thiện chuyên đề về phát triển du lịch thủy nội địa; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…
Đồng thời, chính quyền thành phố cần tiếp tục xác định công tác chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách và lâu dài, là một trong những giải pháp để sẵn sàng “sống chung với dịch” và là “nền tảng bền vững” để thực hiện mục tiêu kép, hướng đến xây dựng Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.