Trong giai đoạn 2022-2024, thành phố Đà Nẵng triển khai 97 nhiệm vụ khoa học, công nghệ, trong đó có 3 dự án nông thôn miền núi, 71 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp thành phố, 23 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp cơ sở, với tổng kinh phí 137,803 tỷ đồng. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã từng bước góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học-nông nghiệp, thành phố Đà Nẵng tập trung các nghiên cứu bảo tồn các nguồn gen các cây bản địa; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để sản xuất các giống hoa, nấm ăn, nấm dược liệu và các mô hình nuôi cá chình, cá thát lát theo hướng công nghệ cao. Các kết quả nghiên cứu đều chuyển giao cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tại địa phương.
Hướng nghiên cứu cũng tập trung, điều tra cơ bản nguồn lợi thủy hải sản, cung cấp cơ sở khoa học đề xuất các biện pháp, khoanh vùng bảo vệ, quản lý việc đánh bắt thủy hải sản của người dân trong vùng biển Đà Nẵng; tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án Phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi con chíp chíp trên vùng cửa sông; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa và trồng rừng hỗn giao áp dụng tại thành phố. Thành phố đã trồng thử nghiệm mô hình quy mô 2,3 ha tại Bà Nà - Núi Chúa, bước đầu thu được kết quả tốt về tình hình sinh trưởng và phát triển của các loài trên băng xanh cản lửa…
Một số nhiệm vụ ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tế bào, chỉ thị phân tử phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như: Áp dụng công nghệ lai bào tử đơn để chọn tạo chủng giống nấm đông trùng hạ thảo cho năng suất và chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi trồng tảo Haematococcus pluvialis hiệu quả cao.
Khoa học kỹ thuật được ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho các khu vực trồng cây ăn quả, trồng hoa và trồng dược liệu; xây dựng công trình cấp nước bằng bơm va tại xã Hòa Bắc; điều tra, đánh giá về hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, phân tích các mẫu thổ nhưỡng, nông hóa, phân loại các nhóm đất và đánh giá được chất lượng đất qua các yếu tố cơ bản. Từ đó, cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.
Về lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ, giai đoạn 2022-2024 ghi nhận sự nỗ lực gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, tập trung vào các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý cũng như trong hoạt động sản xuất của nhiều ngành khác nhau, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Cụ thể như: nghiên cứu xây dựng ứng dụng quản lý hệ thống thoát nước thành phố Đà Nẵng trên nền tảng bản đồ số và mạng lưới IoT; nghiên cứu và triển khai thử nghiệm hệ thống giám sát an toàn đường ngang đường sắt, sử dụng công nghệ cảm biến IoT thông minh tự động cảnh báo tàu hỏa, sử dụng giải pháp giám sát chướng ngại trên đường ngang bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo; sản xuất thiết bị giám sát an ninh, an toàn mạng; xây dựng công cụ giám sát sức khỏe hệ sinh thái thuỷ vực; xây dựng hệ thống trợ lý công vụ ảo phục vụ công việc tại Văn phòng UBND thành phố; thiết kế, chế tạo robot tự hành diệt khuẩn bằng tia UV-C trong các cơ sở y tế; thúc đẩy chuyển đổi số...
Lĩnh vực môi trường và phòng tránh thiên tai tập trung vào điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của thành phố, làm luận cứ khoa học cho việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường. Chú trọng thực hiện các nghiên cứu về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, cụ thể: nghiên cứu các nguyên nhân gây xói lở bờ biển; đánh giá được hiện trạng, dự báo tài nguyên nước các lưu vực sông của thành phố như Vu Gia, Thu Bồn, Cu Đê và các hồ chứa đến năm 2030, 2050; xây dựng được bản đồ ngập lụt, hành lang thoát lũ lưu vực sông, được ứng dụng trong công tác phòng chống lụt bão; đánh giá quá trình vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; xây dựng công cụ cảnh báo, dự báo sớm thiên tai, ứng dụng hiệu quả tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.
Các nghiên cứu về nhiễm mặn nguồn nước được đầu tư nghiên cứu kịp thời đã góp phần xây dựng đề án xâm nhập mặn, là cơ sở khoa học để hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty cấp nước Đà Nẵng đề xuất các phương án chống mặn cho thành phố và ứng dụng các giải pháp phi công trình trong giảm thiểu xâm nhập mặn.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của ngành y tế, các nghiên cứu cũng chủ yếu tập trung vào đánh giá hiệu quả điều trị bệnh bằng những phương pháp điều trị tiên tiến để đưa ra các quy trình điều trị phù hợp như: Nghiên cứu hiệu quả áp dụng phương pháp tim phổi nhân tạo (ECMO) ở bệnh nhân sốc tim và sau ngừng tuần hoàn tại Bệnh viện Đà Nẵng; xây dựng ngân hàng tinh trùng điều trị vô sinh; nghiên cứu ứng dụng dược liệu, công nghệ hóa sinh để chế tạo dược phẩm.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đồng thời chú trọng nghiên cứu ứng dụng để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an ninh-quốc phòng thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo thành phố, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.