Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức sự kiện này nhằm quảng bá sâu rộng hơn các giá trị văn hoá cũng như một cách để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
“Chúng tôi mời các nghệ nhân người Cơ Tu tại Quảng Nam, Đà Nẵng tái hiện lại lễ hội văn hoá cồng chiêng và một số nghề truyền thống. Tại lễ hội, người dân và du khách có thể tìm hiểu trực tiếp về văn hoá của đồng bào dân tộc Cơ Tu qua các nghệ nhân này. Họ chính là những người am hiểu sâu nhất và trực tiếp bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá, các nghề truyền thống của người Cơ Tu”, ông Hồ Đắc Trai cho biết thêm.
Theo đó, lễ hội sẽ có sự tham gia giới thiệu và trình diễn các nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng, Quảng Nam gồm: nghề dệt thổ cẩm, nghề đan mây tre, nghề điêu khắc gỗ của sáu nghệ nhân đến từ xã Tà Lu, xã Ba (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), giới thiệu đặc sản rượu cần Phú Túc cùng với đội múa cồng chiêng của xã Hoà Bắc (huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng). Phần hình ảnh sẽ trưng bày chuyên đề chính như của văn hóa dân tộc Cơ Tu gồm: Trang phục truyền thống, Lễ hội văn hóa, Nghề thủ công truyền thống…
Đồng bào dân tộc Cơ Tu là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Người Cơ tu sinh sống tập trung ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Thành phố Đà Nẵng, một số ít sinh sống ở vùng Tây Trường Sơn thuộc nước bạn Lào. Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng dành trọn tầng 3 để trưng bày hơn 500 hiện vật, hình ảnh về văn hoá, ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam, trong đó, nhiều hiện vật, hình ảnh của đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và hai thôn Tà Lang, Giàn Bí thuộc huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng. Thời gian tới, Bảo tàng Đà Nẵng dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện này đúng ngày Dân tộc Việt Nam 19-4 hằng năm nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị này cũng như sưu tầm hiện vật, hình ảnh làm phong phú thêm cho không gian trưng bày văn hoá các dân tộc Việt Nam.