Đà Nẵng đa dạng hóa nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống người có công

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hàng chục năm qua, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, nhằm đa dạng hóa nguồn lực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khả.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khả.

Ngôi nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khả ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang những ngày này rộn tiếng cười nói của chị em phụ nữ trong thôn. Người giúp mẹ Khả quét dọn nhà cửa, bàn thờ; người đi chợ mua rau, hoa, trái cây... cùng nhau làm mâm cơm giỗ liệt sĩ. Các chị cẩn thận sắp xếp mâm cơm đặt lên bàn thờ, thắp nén hương thơm tưởng nhớ các con của mẹ đã ngã xuống vì đất nước, vì hòa bình.

Giọt nước mắt của người Mẹ Anh hùng

Mẹ Khả năm nay 83 tuổi, chồng và con trai đều là liệt sĩ. Lau vội giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo, mẹ Khả rưng rưng: "Các chị ấy đến thường xuyên, nhưng hôm nay đông hơn, rộn ràng hơn. Mỗi khi mẹ cần là luôn có người đến giúp, nên ngôi nhà này luôn ấm cúng, nhiều tiếng nói cười".

Sau bữa cơm ở nhà mẹ Khả, chị em hội viên xã Hòa Tiến lại cùng nhau ra nghĩa trang xã để quét dọn, đặt những bông hoa cúc mới lên các phần mộ và thắp hương viếng các anh. Hoạt động được thực hiện nhằm tri ân các gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hòa Vang Lê Thu Sa cho biết: "Mô hình giỗ liệt sĩ được các chi hội thực hiện nhiều năm nay, cùng với việc chăm sóc làm đẹp bàn thờ tại các gia đình liệt sĩ. Hội viên duy trì chăm sóc các mẹ trong cả những ngày thường, nhằm nắm bắt rõ tình hình các mẹ để có hỗ trợ kịp thời khi cần thiết".

Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 18 nghìn người có công và thân nhân người có công đang sinh sống, làm việc, hưởng trợ cấp thường xuyên theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó, 106 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; 43 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 20 cán bộ lão thành cách mạng; 48 cán bộ tiền khởi nghĩa; gần 8.000 thương binh, bệnh binh; 1.500 người có công giúp đỡ cách mạng; 2.450 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 3.582 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... Ngoài ra, thành phố còn có hơn 90 nghìn người có công hưởng trợ cấp một lần, hàng nghìn cựu thanh niên xung phong và hội viên tù yêu nước.

Hiện nay, Đà Nẵng ủy thác Bưu điện thành phố chi trả tiền trợ cấp hằng tháng cho hơn 18 nghìn lượt người có công và thân nhân từ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương ủy quyền và chi quà Tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ với tổng mức chi gần 450 tỷ đồng/năm. Đồng thời, phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện trực tiếp chi trợ cấp theo chính sách của thành phố hơn 100 tỷ đồng mỗi năm, chế độ điều dưỡng tại nhà, cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo cho học sinh, sinh viên là con của người có công với số tiền gần 30 tỷ đồng mỗi năm.

Cộng đồng, cá nhân chung tay việc nghĩa

Để giúp gia đình người có công ổn định chỗ ở, lãnh đạo thành phố đặc biệt chú trọng hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn ngân sách Trung ương, của thành phố và nguồn đóng góp của cán bộ, nhân dân, của doanh nghiệp, Đà Nẵng đã xây mới, sửa chữa nhà ở cho hơn 5.000 gia đình chính sách.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, 62 tuổi, là con liệt sĩ, hiện trú tại tổ 55, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng nói: "Từ số tiền 60 triệu đồng thành phố hỗ trợ, thêm phần gia đình dành dụm, người thân trong tộc họ, bà con tổ dân phố và bạn bè giúp đỡ, gia đình tôi vừa xây xong ngôi nhà mới khang trang, thoáng mát".

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ "Quỹ đền ơn đáp nghĩa"... luôn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đều khắp của cán bộ, nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp Đà Nẵng, bằng những việc làm thiết thực, có hiệu quả.

Anh Nguyễn Đăng Độ, ở tổ 11, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà thuộc diện gia đình chính sách. Ba anh là thương binh, mẹ tham gia phục vụ bộ đội, gia đình đang thờ phụng liệt sĩ. Nhiều năm qua, anh và mọi người đều thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, sẵn sàng đóng góp, chia sẻ khó khăn với những hộ nghèo trong phường, quận. Năm 2021, anh đã ủng hộ hàng trăm suất quà, lương thực, thực phẩm, kinh phí cho lực lượng trực chốt, lực lượng y tế tham gia phòng, chống Covid-19 với chi phí 1,5 tỷ đồng.

Anh Độ cũng thường xuyên tặng học bổng, hỗ trợ bệnh nhân, hỗ trợ các quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ cho hay: Ở địa phương có nhiều gia đình chính sách thường xuyên chia sẻ khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo như anh Nguyễn Đăng Độ, nhờ vậy, phường không có gia đình chính sách thuộc diện nghèo.

Các tổ chức đoàn thể ở Đà Nẵng đều có cách làm riêng, sáng tạo, để đền ơn đáp nghĩa những gia đình có công. Hội Cựu chiến binh thành phố thường xuyên tổ chức khám bệnh phát thuốc cho thương binh, cựu chiến binh, tổ chức chương trình "Hành quân về nguồn", giao lưu nhân chứng lịch sử tại Khu căn cứ cách mạng K20, trao quà cho hội viên cựu chiến binh khó khăn, tặng sổ tiết kiệm và vận động hội viên tặng cây cảnh cho các nghĩa trang liệt sĩ...

Mỗi dịp 27/7, các đơn vị cùng phối hợp tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ, khu tưởng niệm trên địa bàn thành phố, với hàng chục nghìn lượt cán bộ, hội viên cựu chiến binh, cán bộ và đoàn viên tham dự. Mô hình "Thắp sáng nghĩa trang" cũng được Đoàn thanh niên thành phố thực hiện trong những năm gần đây, với việc quyên góp và xây dựng các trụ đèn năng lượng mặt trời...

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hoàng cho biết: Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, phát huy nội lực và truyền thống cách mạng từ các cấp ủy đảng, các tổ chức, đoàn thể, bản thân người có công và thân nhân... kết nối nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng nơi cư trú.

Việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối với người có công với cách mạng ở thành phố đã và đang chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Năm 2021, Ngân hàng Công thương Việt Nam hỗ trợ 172 gia đình chính sách Đà Nẵng 5 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa nhà. Năm 2022, thành phố tiếp tục hỗ trợ xây mới 167 nhà, sửa chữa 506 nhà, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, giai đoạn I đề án xây dựng các khu chung cư xã hội bố trí cho gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, tiếp tục hỗ trợ người có công tiền sử dụng đất, các trường hợp đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.