Tác phẩm “Đà Lạt mùa màu tím và sương” dày 575 trang, gồm bốn chương: Phát triển du lịch Đà Lạt trong điều kiện biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, Đà Lạt - trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, cơ sở khoa học và ý nghĩa màu tím, Đà Lạt mùa màu tím và sương; do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ấn hành.
Cùng Kỷ lục gia-Tiến sĩ Phạm S tìm hiểu, trải nghiệm “Đà Lạt mùa màu tím và sương”, có nhìn nhận, màu tím đã ám ảnh ông từ giả thuyết, đến góc độ khoa học, văn hóa, kinh tế-xã hội và sự lãng mạn, cùng những khuyến nghị gắn với sự phát triển văn hóa, du lịch Đà Lạt. Ông cho rằng: “Màu tím đã tạo sự lan tỏa về kiến trúc cảnh quan, các hoạt động khác và thói quen trân quý của du khách cùng với sắc tím dịu dàng, đã góp phần tạo nên “Đà Lạt mùa màu tím và sương”.
Dường như tác giả khá khiêm tốn khi dùng những ngôn từ “mềm mại” để nêu bật cốt lõi của “Đà Lạt mùa màu tím và sương”. Với tôi, khi khép lại hành trình khám phá qua bốn cung bậc của “Đà Lạt mùa màu tím và sương”, có thể mường tượng rằng, Phạm S đã mượn sắc tím quyến luyến đầy ám thị và sự bảng lảng của sương Đà Lạt để kể nhiều câu chuyện, đó là tài nguyên du lịch toàn cầu, du lịch Việt Nam và phố núi Đà Lạt, trong sự hòa hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 toàn cầu và nhận định tiến trình phát triển.
“Mùa màu tím” ở Đà Lạt không khó để xác nhận với nhà khoa học Phạm S, hoặc những người đắm đuối với thành phố cao nguyên. Nhưng với “sương Đà Lạt”, Phạm S đã rất dày công nghiên cứu và trải nghiệm. Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông kể với tôi, cùng với những nghiên cứu từ tài liệu trong nước, quốc tế, ông đã dành nhiều năm, nhiều khoảng thời gian trong năm để trải nghiệm cùng sương Đà Lạt, qua đó có sự tham chiếu rạch ròi. Những nghiên cứu và biện dẫn của Tiến sĩ Phạm S có thể giúp nhà nông, doanh nghiệp và du khách tham khảo, rất có giá trị trong phát triển kinh tế và du lịch.
Tác giả Phạm S nói rằng, với chuỗi thời gian nghiên cứu đầy tâm huyết, qua “Đà Lạt mùa màu tím và sương”, độc giả có thể nhận ra đặc điểm riêng của Đà Lạt. Thực tế, có những thành phố lúc có mùa hoa nở tím nhưng không có sương và ngược lại. Riêng Đà Lạt có mùa hoa nở tím trùng với mùa sương nhiều nhất trong năm đã tạo nên sự khác biệt. “Chúng tôi đã phân tích 10 giá trị cốt lõi, sự kết tinh kỳ diệu từ đất lành, tạo nên nét riêng của “Đà Lạt mùa màu tím và sương”. Đó chính là điều thú vị nhất để tôi dành thời gian nghiên cứu viết nên cuốn sách”, Tiến sĩ Phạm S chia sẻ.
Với cơ sở khoa học và ý nghĩa màu tím, tác giả đã dành nhiều thời gian đọc tài liệu ở các viện nghiên cứu, trường đại học trên thế giới và trong nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một thuyết giả thuyết của NASA cho rằng, trái đất hơn hàng tỉ năm trước vốn có màu tím, sau đó do quá trình tiến hóa của vũ trụ dần dần trái đất có màu xanh như ngày nay. Màu tím cũng là phát minh khoa học sớm nhất của nhân loại, từ khoảng năm 1900 TCN. Tác giả đã phân tích rất công phu, đưa ra những dẫn chứng cụ thể các ý nghĩa màu tím được sử dụng trong lĩnh vực lịch sử, kiến trúc, văn hóa, thể thao, xã hội, khoa học, biến đổi khí hậu, giáo dục, y học, kinh tế, chính trị; sự xuất hiện màu tím trong tự nhiên, sinh học, vũ trụ... Và đi đến nhận định: “Màu tím gợi cho những hành động sáng tạo, tìm kiếm cảm hứng và độc đáo thông qua những nỗ lực sáng tạo của tư duy con người”.
Hàng nghìn năm trước, màu tím chỉ tượng trưng cho quý tộc, hoàng gia... Trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay, màu tím có tác động vô cùng mạnh mẽ. Màu tím không chỉ tượng trưng cho sự thủy chung, mà có thể nhìn thấy được màu tím trở thành màu chủ đạo trong rất nhiều lĩnh vực, như kiến trúc, sản phẩm công nghệ cao, phòng thí nghiệm khoa học, thể thao, thương hiệu, nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, thời trang, phương tiện, ẩm thực, lễ nghi hay những thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, bàn phím... và gam màu tím được trang trí trong các sự kiện quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, với những kỳ vọng tốt nhất cho sự kiện đó.
Những kiến giải về “mùa màu tím” và “sương” Đà Lạt qua thực tế nghiên cứu các công trình kiến trúc, sự kiện kinh tế, chính trị, thiên nhiên và con người để làm cơ sở khoa học, tác giả đã đưa ra những khuyến nghị để phát triển du lịch và một số lĩnh vực trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Tôn Thiện San chia sẻ: “Tôi đã dành thời gian đọc kỹ cuốn sách với tựa đề rất ấn tượng, nội dung rất phong phú, làm cho người đọc luôn thôi thúc khám phá cái mới, trong lúc đọc đã hình dung những điều bí ẩn của màu tím trong bảng lảng sương”. Theo ông San, trong bối cảnh chung về biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 toàn cầu, Tiến sĩ Phạm S đã phân tích, làm rõ du lịch Đà Lạt có những lợi thế nhất định. “Trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn, tác giả đưa ra 10 đặc điểm trong quá khứ, 10 đặc điểm trong hiện tại và 10 đặc điểm trong tương lai của Đà Lạt rất hữu ích, giúp cho bạn đọc có ý tưởng sáng tạo cần phải làm gì và làm như thế nào để cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của ngành du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt gợi mở.
Tiến sĩ Phạm S hiện đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông được Liên minh Kỷ lục Thế giới WorldKings vinh danh Kỷ lục gia Thế giới ngày 22/2 vừa qua, từ tham chiếu những cống hiến khoa học cho quốc gia và quốc tế. Phạm S cũng là nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo viết sách về Đà Lạt nhiều nhất - 13 tác phẩm. Trong đó, nhiều cuốn được xuất bản song ngữ Việt - Anh, Việt - Pháp, như “Đà Lạt: ba thiên đường, hai hội tụ, một tầm nhìn”, “Đà Lạt: quá khứ-hiện tại và tương lai”, “Du lịch canh nông - Xu thế tất yếu của thời đại trong điều kiện biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 toàn cầu”, “Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt, điểm đến hấp dẫn du khách toàn cầu”, “Kiến trúc cảnh quan trong điều kiện biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”…
“Đà Lạt mùa màu tím và sương”, với cách hành văn mộc mạc, dễ thấu cảm; cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, trở thành tư liệu khoa học giá trị để tham khảo cho nhiều đối tượng độc giả, nhất là những người đang có ý tưởng khởi nghiệp trong du lịch - dịch vụ.
Cùng Kỷ lục gia-Tiến sĩ Phạm S trải nghiệm qua bốn chương sách và khép lại với “Đà Lạt mùa màu tím và sương”, độc giả dường như vẫn dùng dằng trong không gian sương tím với những ảo ảnh huyền mơ. Sự quyện hòa kỳ ảo của “mùa màu tím” và “sương” có thể mở ra hướng mới trong hành trình phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.