Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu

Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu (XNK) được coi là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, tình hình chính trị khu vực, trên thế giới phức tạp. Chung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải (trong ảnh).

Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu

PV: Thưa đồng chí, hoạt động XNK nếu chỉ phụ thuộc vào một đối tác, một quốc gia nhất định sẽ có thể gây ra những rủi ro, bất ổn. Xin đồng chí cho biết, thời gian qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động XNK, Bộ Công thương đã triển khai những giải pháp gì để đa dạng hóa thị trường XNK?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bộ Công thương trong thời gian qua triển khai đồng thời nhiều nhóm giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương với các thị trường, khu vực thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết tám hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm: ASEAN, ASEAN+ (Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Nhật Bản. Bộ Công thương cũng đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và các FTA với EU, Hàn Quốc, Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu EFTA (Na Uy, Ai-xơ-len, Thụy Sĩ, Lích-ten-xtai), Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắcxtan.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước Đông Á, ASEAN, Mỹ, EU, tiếp tục đẩy mạnh tìm hiểu, khai thác các thị trường đang phát triển như các nước nhóm BRIC (trong đó có Braxin, Nga, Ấn Độ).

Thứ ba, tăng cường hoạt động của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, củng cố, mở rộng hệ thống cơ quan đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài nhằm cung cấp cho doanh nghiệp (DN) các phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường. Chú trọng hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các DN tận dụng cao nhất các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

Thứ tư, tạo cơ chế thuận lợi cho xuất khẩu, thực hiện các chương trình thuận lợi hóa thương mại; khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu DN, sản phẩm có tầm quốc gia; hướng dẫn và hỗ trợ DN chủ động bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới.

PV: Quá trình triển khai những giải pháp nêu trên gặp những khó khăn, vướng mắc nào, thưa đồng chí?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Các biện pháp đã triển khai của Bộ Công thương và các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã đạt được những kết quả nhất định. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam liên tục được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường trọng điểm đều đạt mức tăng trưởng cao. Định hướng trong năm 2014, Việt Nam chú trọng giữ vững xuất khẩu ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, đồng thời tăng cường hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại ở các thị trường mới, có nhiều tiềm năng tại Đông Âu, châu Phi, Tây Á và Mỹ la-tinh.

Tuy nhiên, việc khai thác các thị trường mới còn gặp khó khăn do phải đối mặt với những rào cản về chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa ổn định, do vậy xu hướng bảo hộ không những không giảm mà còn tiếp tục tăng. Chính phủ các quốc gia đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ DN trong nước, thông qua chính sách tỷ giá, các biện pháp kỹ thuật, các biện pháp chống bán phá giá,... DN xuất khẩu Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước xuất khẩu khác trong bối cảnh tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa không tăng, nhưng nguồn cung hàng hóa xuất khẩu từ các nước lại có xu hướng tăng.

Ngoài ra, nguồn ngân sách dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia thời gian qua vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, đây là một trong những biện pháp hiệu quả để góp phần hỗ trợ DN trong việc mở rộng, phát triển thị trường.

PV: Để thực hiện đa dạng hóa thị trường XNK, bên cạnh vai trò định hướng, xây dựng cơ chế, chính sách của các bộ, ngành thì không thể thiếu vai trò quan trọng của các DN.Xin đồng chí cho biết, Bộ Công thương đánh giá như thế nào về năng lực của các DN Việt Nam và DN cần phải làm gì để thực hiện đa dạng hóa thị trường XNK?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Thời gian qua, các DN Việt Nam đã đóng góp quan trọng trong việc đưa hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đem ngoại tệ về cho đất nước. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới còn thấp do việc cải tiến, nâng cao phẩm cấp, mẫu mã, chất lượng tuy đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng; DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, dẫn đến việc nhiều mặt hàng tuy có sản lượng xuất khẩu lớn nhưng chưa có khả năng chi phối về giá trên thị trường thế giới. Đặc biệt, đối với những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì khả năng tiếp cận của hàng hóa Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, không ít DN xuất khẩu chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Sự thiếu quan tâm này làm cho DN mất đi lợi ích về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. Sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN, đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa đáp ứng được các nhu cầu hiện nay cũng là một trong những hạn chế của DN xuất khẩu Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu về XNK đề ra thì bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc định hướng xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc, tạo ra các điều kiện, môi trường thuận lợi cho hoạt động của DN thì cần phải có sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng DN.Các DN cần chủ động nắm bắt thời cơ, tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường đồng nghĩa với việc các DN phải cạnh tranh ngay trên sân nhà, do đó, các DN cần giảm dần tư duy bảo hộ, chú trọng đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Các DN cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh để có biện pháp chủ động đối phó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch XNK năm 2013 lên tới 50,2 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản năm 2013 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2012. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư và là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ hai của các DN Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với giá trị tuyệt đối năm 2013 đạt gần 18,7 tỷ USD.EU cũng là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2013 với tổng kim ngạch xuất khẩu 24,3 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu ảnh 1
Các DN dệt-may đang gặp nhiều khó khăn do ngành dệt của Việt Nam còn yếu (cả về chủng loại, chất lượng, số lượng, giá cả) cũng như các thị trường thay thế khác lại có giá cao hơn, thời gian vận chuyển, giao hàng lâu hơn. Nếu các DN thay đổi nhà cung cấp đồng nghĩa chi phí của DN sẽ lớn hơn, thời gian giao hàng khó bảo đảm, giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, diễn biến tình hình kinh tế hiện tại buộc DN dệt - may Việt Nam phải có kế hoạch thay đổi dần nhà cung cấp. Để thật sự giúp đỡ DN thực hiện được kế hoạch này, ngành dệt - may cần sự giúp đỡ của Chính phủ. Có thể là giảm các nghĩa vụ tài chính cho DN (như giảm thuế thu nhập DN, không tăng lương tối thiểu năm 2015, không tăng phí bảo hiểm xã hội, chi phí thuê đất...) nhằm giúp DN có thể bù đắp các chi phí tăng lên do thay đổi nguồn cung cấp.

Khó khăn với thị trường Trung Quốc cũng là cơ hội để DN Việt Nam thay vì tìm mọi cách có nguyên liệu giá rẻ để cạnh tranh bằng giá thì chuyển sang phân khúc cao hơn, cạnh tranh bằng chất lượng, mẫu mã, uy tín thương hiệu... Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ xu hướng này, đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu trong nước, thay thế cho nguồn nhập khẩu...

ĐẶNG PHƯƠNG DUNG

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Vitas