Đa dạng hình thức trình diễn, lan tỏa giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh

Sau hơn 14 năm dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển và lan tỏa các giá trị của những làn điệu Quan họ Bắc Ninh trong cuộc sống đương đại. Một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào kết quả chung ấy là sự đa dạng các hình thức diễn xướng, để quan họ đến gần hơn với mỗi người dân, cũng như du khách trong và ngoài nước…
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ làng Diềm (TP Bắc Ninh).
Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ làng Diềm (TP Bắc Ninh).

Hát canh được coi là tinh hoa vốn cổ của quan họ. Để tổ chức canh hát, không chỉ đòi hỏi người tham gia phải có lưng vốn vài trăm bài, biết đủ lối, đủ câu; mà vừa tinh tường nghề chơi, vừa hiểu biết sâu sắc phong tục của người quan họ.

Những canh hát quan họ thường diễn ra vào dịp hội làng. Và ở vùng đất Bắc Ninh, nơi có tới 547 lễ hội truyền thống, thì các canh hát được tổ chức, âm vang cả bốn mùa…

Theo anh hai Nguyễn Hữu Bể, làng Lũng Giang, khu trung tâm của hội Lim: Canh hát quan họ thường bắt đầu bằng màn chào hỏi, sau đó đi vào chặng hát giọng cổ, giọng vặt rồi đến giọng lề lối, giã bạn.

Không chỉ khi có lễ hội truyền thống, giờ đây, vào các dịp nghỉ lễ như: Giải phóng miền nam và ngày Quốc tế lao động, hay Quốc khánh, Tết Nguyên đán,… các câu lạc bộ quan họ trong và ngoài tỉnh cũng hẹn gặp, giao lưu, tổ chức các canh hát, vừa để trau dồi kỹ năng biểu diễn, vừa để học hỏi về ca từ, lề lối, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa quan họ,…

Như dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa rồi, Câu lạc bộ Quan họ truyền thống Nhị Hà (Hà Nội) và Câu lạc bộ Quan họ Đương Xá (Bắc Ninh) có dịp giao lưu ở xứ Kinh Bắc.

Anh hai Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Nhị Hà cho biết: Qua đây đã giúp cho các thành viên của câu lạc bộ được học hỏi rất nhiều về ca từ, lề lối, bổ sung thêm kỹ thuật trong hát chúc, hát mừng; những nghi lễ, hình thức lời chào, ra câu đối đáp của một canh hát quan họ cổ...

Để quan họ đến gần hơn với công chúng, từ tháng 8/2017 đến nay, tỉnh Bắc Ninh duy trì đều đặn chương trình hát dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền vào các dịp lễ, Tết. Đến nay, hàng chục chương trình với sự đa dạng về chủ đề đã được tổ chức, như: “Tứ hải giao tình”, “Phùng quan tế hội”, “Sum họp trúc mai”, “Tương phùng tương ngộ”, “Về thiên thai”, “Lời ca dâng Bác”, “Giai điệu tự hào”,… để lại ấn tượng sâu sắc đối với du khách trong và ngoài nước.

Anh Tống Văn Hải đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tôi rất thích những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh cho nên thường xuyên tìm hiểu và nghe hát. Được xem trực tiếp chương trình này tôi thấy rất thú vị. Trước mỗi bài hát đều có lời giới thiệu về văn hóa quan họ khi lời ca cất lên, người nghe đều thấu hiểu những giá trị đặc sắc, độc đáo của quan họ.

Anh Hyeon, du khách đến từ Hàn Quốc, mới sang làm việc tại Bắc Ninh, tâm sự: Lần đầu nghe hát quan họ và được giao lưu với các liền anh, liền chị giúp tôi thấy yêu mến và thêm trân trọng con người, văn hóa vùng đất này.

Cùng với các tiết mục hát quan họ trên thuyền, tỉnh Bắc Ninh còn kết hợp tổ chức tuyến phố đi bộ với rất nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa, như các trò chơi dân gian: Ô ăn quan, chơi chuyền, bịt mắt đánh trống, múa sạp, đu tiên, cờ tướng…; tìm hiểu về tranh Đông Hồ, viết thư pháp, trưng bày, giới thiệu các nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của Bắc Ninh…

Từ chỗ chỉ có 44 làng quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay Bắc Ninh đã phát triển lên 150 làng quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ với hơn 10.000 hội viên tham gia, đáng chú ý, có hơn 140 câu lạc bộ ở các tỉnh và người Việt Nam ở nước ngoài.