Đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, 3 người tử vong do Covid-19

NDO -

PGS, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, trong cuộc chống dịch Covid-19, đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc Covid-19 trong khi làm việc và đã có 3 nhân viên y tế tử vong. Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất các phương án bảo vệ lực lượng nơi tuyến đầu.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo PGS, TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, 2 tháng nay, hơn 13.000 y bác sĩ từ miền bắc, miền trung đã vào tâm dịch phía nam, trong đó hơn 7.000 người chi viện TP Hồ Chí Minh, hơn 5.000 người chi viện cho các tỉnh còn lại.

Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông lại trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, đồ bảo hộ... 

"Các cán bộ y tế đối mặt với nhiều áp lực trong điều trị khi phải làm việc gấp đôi bình thường. Họ còn phải chịu áp lực lớn nữa là số ca bệnh tăng nhanh, bệnh nhân tử vong nhanh chóng khiến các cán bộ y tế bất lực. Nhiều người đã bật khóc, stress vì không cứu được người bệnh", bà Bình nói. 

Trong số hơn 2.300 nhân viên y tế nhiễm bệnh, đã có nhân viên y tế tử vong trên mặt trận điều trị gồm 2 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh và 1 tại Bình Dương là nỗi xót xa, trăn trở lớn. 

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, tại TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 900 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp bảo vệ nhân viên y tế, như yêu cầu tập huấn kỹ, trang bị đồ phòng hộ chặt chẽ... nhưng thực tế nhiều cán bộ, sinh viên lần đầu tiếp cận bệnh nhân Covid-19 vẫn còn thiếu kinh nghiệm.

Trong khi đó, làm việc tại cơ sở điều trị F0 nồng độ virus cao, nguy cơ lây nhiễm càng tăng. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt, nghỉ ngơi, nếu sơ suất, không quản lý tốt cũng có thể bị lây nhiễm. Vì thế, ông Khoa đề xuất cần phải bổ sung thêm lực lượng y tế hỗ trợ để giảm tải cho đội ngũ đã chi viện thời gian qua. 

Hỗ trợ cho Đồng Tháp từ khi tỉnh này bùng phát dịch, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, áp lực các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang đang phải đối mặt rất áp lực. 

Khó khăn nhất là thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu vì đây là ngành đặc thù, các bác sĩ các chuyên ngành khác không thay thế được bác sĩ hồi sức. Vì thế, nhiều người phải làm việc đến 500% sức lực.

Bày tỏ chia sẻ với những khó khăn vất vả của các chiến sĩ tại tuyến đầu, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng cần có chính sách riêng chăm sóc cho lực lượng y tế tuyến đầu, trước hết là chú trọng 3 nội dung phụ cấp gồm: phụ cấp về độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp làm việc ngoài giờ... Đồng thời, cần có sự ưu tiên cho gia đình, người thân của nhân viên y tế được tiêm vaccine.

"Trong số hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm Covid-19, có những người sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục tình nguyện xin ở lại để điều trị cho bệnh nhân. Nhân viên y tế F0 chăm sóc cho F0 là sự hy sinh rất lớn của đội ngũ nhân viên y tế", ông Nguyễn Phước Lộc nói. 

Để bảo vệ cho lực lượng y tế tuyến đầu, PGS, TS Phạm Thanh Bình cho biết, Công đoàn Y tế đã hai lần đề nghị Tổng liên đoàn đề xuất Chính phủ, Nhà nước phong tặng liệt sĩ với nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ trong đại dịch, coi họ là người thi hành công vụ, có chính sách với thân nhân của họ như tiêm vaccine. 

"Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế tặng bằng khen cho tất cả các nhân viên y tế tham gia chống dịch. Đồng thời, chúng tôi đề nghị thời gian tối đa chi viện của mỗi đoàn y tế tăng cường chỉ trong 2 tháng để bảo vệ sức khỏe cho anh em. Đồng thời, các địa phương cần thành lập các bộ phận tư vấn tâm lý để giảm stress cho y, bác sĩ và đường dây nóng để hỗ trợ cho đội ngũ này", bà Bình nói. 

Theo Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Ngọ Duy Hiểu, ngoài chính sách chung, Tổng liên đoàn đã hỗ trợ một triệu đồng để tăng cường bữa ăn cho khoảng 20.000 y, bác sĩ; Triển khai mua 20.000 thẻ an toàn y tế; Đồng ý cho Công đoàn Y tế Việt Nam hỗ trợ thêm 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ ở tuyến đầu chống dịch, tổ chức các đoàn thăm, động viên lực lượng tuyến đầu.

"Với những chính sách như vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam đang góp sức quan trọng để nuôi dưỡng lực lượng có vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch là các nhân viên y tế đang ngày đêm giành giật sự sống cho người dân. Cùng với sự quan tâm của toàn xã hội, tôi tin các y, bác sĩ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", ông Hiểu nói.