Vốn là bộ đội biên phòng về hưu, trong một lần đi trồng cây trên núi, ông Tú vô tình nhìn thấy một đàn voọc. Biết đây là một loài động vật quý hiếm, cựu Trung tá quân đội nghĩ tới việc phải tìm cách bảo tồn, tránh không cho người dân săn bắn.
Ăn cơm nhà... giữ nhà cho voọc
“Tôi không muốn con cháu mình sau này chỉ được nhìn thấy voọc qua sách vở”, ông Tú nói với phóng viên Báo Nhân Dân.
Nghĩ là làm, bắt đầu từ năm 2012, Dự án bảo tồn voọc gáy trắng đã ra đời. Ban đầu, đó chỉ là một sáng kiến cá nhân do ông Tú khởi xướng. Lúc này, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú chỉ vận động được 4 thành viên tham gia vào tổ tự nguyện. Đáng chú ý, trong số này có một người từng là thợ săn có tiếng ở địa phương.
Không thù lao, không chế độ, nhưng tổ tự nguyện vẫn âm thầm hoạt động. Sau từng chuyến tuần tra, thông tin về số lượng voọc được cập nhật, tổng hợp đầy đủ và chi tiết.
![]() |
Tổ bảo vệ voọc do cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú khởi xướng. |
Nhớ những ngày đầu bảo vệ voọc, ông Tú bị một số người cùng địa phương gọi là "điên, khùng".
"Tôi không cho dân vào khu vực rừng có đàn voọc sinh sống để chặt củi, săn bắn, đốt ong, thả dê. Việc làm này đảm bảo cho voọc có nguồn thức ăn, tránh việc cháy rừng… Ai cố tình vào rừng lấy củi, săn bắn… tôi báo cơ quan chức năng. Thế nên lúc đầu tôi bảo vệ voọc, nhiều người chưa hiểu họ ghét tôi lắm. Thậm chí hồi ấy, một số người đi khai thác cây Hương giáng còn dọa sẽ giết tôi nữa đấy. Vì tôi phối hợp với kiểm lâm bắt và không cho họ vào rừng khai thác. Họ sinh thù hận, đánh tiếng dọa cho người làm hại tôi và gia đình. Nhưng tôi nghĩ mình làm việc có ích, việc đàng hoàng thì có gì phải sợ. Người đến đánh tiếng dọa nạt, tôi chỉ nói một câu: 'Là đàn ông phải quân tử, thách đố thẳng mặt, nếu đánh lén là tôi tự vệ chính đáng", ông Tú kể lại.
![]() |
Các cá thể voọc gáy trắng trong tự nhiên tại Quảng Bình. |
Bước ngoặt đã đến khi vào năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao triển khai mô hình hợp tác quản lý, bảo tồn voọc gáy trắng khu vực quy hoạch rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa. Với sự đồng hành, giúp đỡ từ Trung tâm, các thành viên tổ tự nguyện được bồi dưỡng và nâng cao năng lực tổ chức hoạt động của nhóm, trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng thực hiện các hoạt động bảo tồn; hỗ trợ phương tiện làm việc. Kể từ đây, số lượng thành viên tổ tự nguyện cũng tăng lên, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ voọc gáy trắng.
Thiết lập không gian riêng cho voọc
Một trong những điểm nhấn của dự án là đã cố gắng thiết lập được không gian sinh tồn riêng cho voọc gáy trắng. Ông Nguyễn Thanh Tú cho biết, nhờ sự chung tay của chính quyền địa phương cũng như các tổ chức bảo tồn, Dự án đã thành lập các khu bảo tồn đặc biệt dành cho voọc. Các khu bảo tồn này được quản lý nghiêm ngặt để ngăn chặn các hành vi săn bắt, khai thác tài nguyên bất hợp pháp.
Kể về giai đoạn này, ông Tú nhớ lại, vùng núi nơi đàn voọc sống có tiềm năng khai thác đá vôi rất lớn. Do đó, có một số doanh nghiệp tới đây khảo sát để xin quyền được khai thác. Đã có người ngỏ ý mua chuộc ông Tú bằng tiền tỷ để ông làm ngơ cho họ.
![]() |
Ông Tú trong hành trình bảo vệ voọc. |
"Hồi đó, có người đến tận nhà, nói núi ở cạnh nơi tôi sống được định giá khai thác đá đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu tôi ký nhận không có voọc sinh sống ở đó thì họ sẽ trích phần trăm cho tôi. Họ hứa hẹn tôi sẽ có một khoản tiền lớn để dưỡng già. Nhưng tôi không đồng ý ký", ông Tú tâm sự.
Doanh nghiệp đó không đạt mục đích nên đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, tiềm năng thu lợi từ khai thác đá vôi tại vùng núi xã Thạch Hóa rất lớn khiến nhiều người khác vẫn lao vào.
Ông Tú còn nhớ lần đó có một doanh nghiệp thuyết phục chính quyền địa phương thông qua dự án khai thác đá tại núi Hung Choi, thôn Hoà Bình, xã Thạch Hoá.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Tú cùng dự án ý nghĩa được vinh danh tại giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize do Báo Nhân Dân tổ chức. |
"Lúc đó là tối thứ Sáu, tôi gọi điện cho một nhà báo quen nhờ giúp đỡ. Nhà báo này đã tới nhà Bí thư tỉnh ủy lúc đó là ông Hoàng Đăng Quang xin gặp và phản ánh sự việc", ông Tú nói. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của vị lãnh đạo, vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng. Theo đó, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVII tại kỳ họp thứ 8 (năm 2018) đã biểu quyết loại bỏ quy hoạch mỏ đá có diện tích hơn 100 ha tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa nhằm dành không gian bảo tồn voọc.
Có được sự ủng hộ của chính quyền các cấp từ địa phương tới tỉnh, công việc bảo tồn voọc của ông Tú thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân địa phương cũng đã dần hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ voọc và đa dạng sinh học. Một số người đã tham gia vào Tổ tự nguyện bảo tồn voọc của ông Tú.
![]() |
Nhờ nỗ lực, quần thể voọc tại Quảng Bình đã có ngôi nhà bình yên. |
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong việc giám sát và quản lý khu bảo tồn và tài nguyên rừng, dự án đã sử dụng các hệ thống giám sát bằng công nghệ hiện đại, giúp thu thập thông tin nhanh chóng và chính xác về tình trạng của loài và môi trường sống của chúng.
Ngoài ra, dự án đã tổ chức các chương trình để giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân địa phương về vấn đề bảo tồn voọc và bảo vệ rừng. Dự án cũng khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng. Đây là yếu tố then chốt và bền vững trong việc bảo tồn voọc.
Thông qua các việc làm đó, dự án đã tạo ra môi trường phát triển an toàn hơn cho loài voọc gáy trắng, góp phần ngăn chặn sự suy giảm số lượng, đảm bảo sự phục hồi của quần thể voọc trong tự nhiên. Đồng thời, các loài động thực vật khác cũng có cơ hội sinh trưởng và phát triển, giúp cân bằng hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học trong khu vực.
Voọc gáy trắng (tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis), một loài đặc hữu của Việt Nam, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Được xếp vào danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ ưu tiên (tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NÐ-CP; trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; Sách đỏ thế giới IUCN và Sách đỏ Việt Nam), voọc gáy trắng đang đối mặt với nhiều áp lực như mất môi trường sống, số lượng cá thể voọc trong tự nhiên ngày càng giảm do săn bắt và khai thác tài nguyên như khai thác đá, khai thác củi.
Với sự chung sức của cộng đồng, đến nay, trên địa bàn các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa, Thuận Hóa đã ghi nhận 22 đàn với hơn 150 cá thể voọc gáy trắng.