Ngày 16/9, Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp các cơ quan, địa phương của tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội thảo “Tổng kết mô hình hợp tác quản lý bảo tồn voọc gáy trắng khu vực quy hoạch rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa”.
Hội thảo nhằm tổng kết các hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn dựa vào cộng đồng và thảo luận các giải pháp bảo tồn loài voọc gáy trắng sống gần khu dân cư ở Quảng Bình gắn với phát triển sinh kế bền vững, được tài trợ bởi Chương trình quản trị đất đai khu vực Mê Kông trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy quyền hưởng lợi từ rừng cộng đồng thông qua hỗ trợ thực thi Luật Lâm nghiệp”.
Với những nỗ lực của cộng đồng và các cơ quan liên quan, hoạt động quản lý bảo tồn và bảo vệ đàn voọc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ vài con voọc gáy trắng đầu tiên sống trên núi đá vôi gần khu dân cư của huyện Tuyên Hóa được người dân phát hiện, đến nay voọc gáy trắng đã được cộng đồng quản lý, bảo tồn chặt chẽ và phát triển qua hằng năm. Hiện có ít nhất 22 đàn voọc gáy trắng với 156 cá thể chủ yếu sinh sống tại 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa.
Để tạo môi trường và không gian sống cho đàn voọc, tỉnh Quảng Bình quyết định thu hồi nhiều diện tích núi đá vôi đã quy hoạch làm mỏ vật liệu và chuyển thành khu vực quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích hơn 500ha.
Từ vài con voọc gáy trắng đầu tiên sống trên núi đá vôi gần khu dân cư của huyện Tuyên Hóa được người dân phát hiện, đến nay voọc gáy trắng đã được cộng đồng quản lý, bảo tồn chặt chẽ và phát triển qua hằng năm. Hiện có ít nhất 22 đàn voọc gáy trắng với 156 cá thể chủ yếu sinh sống tại 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa.
Cùng với tính đa dạng sinh học, môi trường sinh thái trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt hơn thì nhận thức, năng lực của người dân và các bên liên quan đối với công tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã được nâng lên đáng kể. Một số người dân bị ảnh hưởng sinh kế bởi công tác bảo tồn voọc gáy trắng đã chủ động hoặc nhận được hỗ trợ tìm các nguồn sinh kế thay thế.
Tại hội thảo, bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ, bảo tồn loài voọc gáy trắng tại cộng đồng, các đại biểu cũng đã thảo luận nêu lên những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp để tiếp tục bảo vệ đàn voọc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa tốt hơn.
Cái khó nhất hiện nay là chưa có chủ thể quản lý chính thức các đàn voọc mà đang tạm giao cho Ủy ban nhân dân các xã nơi có loài động vật hoang dã này sống quản lý. Ngoài ra, hiện nay chưa có các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng tham gia các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng đặc dụng nên về lâu dài khó tạo ra động lực cho cộng đồng tham gia các hoạt động bảo tồn.
Voọc gáy trắng là một trong những loài linh trưởng nguy cấp cần ưu tiên bảo tồn. Đây là loài đặc hữu của khu vực miền trung Việt Nam và Lào. Ở Việt Nam, loài này chỉ phân bố giới hạn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.