Cứu sống bệnh nhi bốn tuổi bằng ghép tế bào gốc

NDO -

NDĐT- Bệnh viện T.Ư Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại khu vực miền trung - Tây Nguyên. Đây là đơn vị thứ ba trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật này, sau Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Huyết học truyền máu TP Hồ Chí Minh.

Bệnh nhi Nguyễn Ánh H. (4 tuổi), được cứu sống bằng ghép tế bào gốc (Ảnh: Nhật Tân).
Bệnh nhi Nguyễn Ánh H. (4 tuổi), được cứu sống bằng ghép tế bào gốc (Ảnh: Nhật Tân).

Ngày 9-1, Bệnh viện T.Ư Huế cho biết: Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện này vừa tổ chức ra viện cho bệnh nhi Nguyễn Ánh H. (4 tuổi), trú tại huyện ĐaKrông (tỉnh Quảng Trị), bị bệnh u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Đây là ca ghép tế bào gốc thành công đầu tiên được thực hiện tại khu vực miền trung - Tây Nguyên.

Theo Bệnh viện T.Ư Huế, với căn bệnh này, tỷ lệ tử vong sẽ rất cao nếu không được điều trị kịp thời và triệt để, bệnh nhân cần phải điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tế bào gốc tự thân để cứu sống.

Ghép tế bào gốc tạo máu là một trong những tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Nhờ đó, nhiều trường hợp bệnh nan y có khả năng chữa khỏi hoặc kéo dài sự sống. Ghép tủy tự thân là phương pháp thu hoạch tế bào gốc từ chính bản thân bệnh nhân sau khi bệnh ở giai đoạn ổn định. Tế bào gốc có thể lấy từ máu ngoại vi huy động hoặc từ tủy xương, sau đó, được bảo quản đông lạnh ở -196 độ. Bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất liều cao để loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể, sau đó truyền tế bào gốc đã bảo quản để phục hồi hệ thống tạo máu, giúp rút ngắn giai đoạn suy tủy.

Sau hội chẩn, Trung tâm Nhi Khoa đã phối hợp với Trung tâm Huyết học Truyền máu, Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện T.Ư Huế, cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các bác sĩ đến từ Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP Hồ Chí Minh, đã tiến hành ca ghép tủy tự thân đầu tiên cho bệnh nhi H. tại Trung tâm Nhi Khoa - Bệnh viện T.Ư Huế. Sau 32 ngày ghép, sức khỏe cháu đã hồi phục trở lại, các xét nghiệm máu của bệnh nhân đã trở về bình thường.

Tại buổi tổ chức ra viện cho bệnh nhi, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế đã đến tặng hoa chúc mừng và tặng quà cho bệnh nhi, rất vui mừng với những nỗ lực của tập thể y - bác sĩ Trung tâm Nhi khoa và gửi lời cảm ơn chân thành đến Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP Hồ Chí Minh và Quỹ Niikura, Tổ chức ACCL (Nhật Bản) đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa trong bước đầu tiến hành ghép.

Theo GS Phạm Như Hiệp, cho đến nay Bệnh viện T.Ư Huế là đơn vị thứ ba thực hiện thành công kỹ thuật này sau Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Huyết học Truyền máu TP Hồ Chí Minh.

Được biết, Bệnh viện T.Ư Huế là một trong ba bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt lớn nhất cả nước, rất nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai: lĩnh vực ghép tạng, ghép tế bào gốc, thụ tinh trong ống nghiệm, mổ nội soi, lĩnh vực về tim mạch: mổ tim hở, chụp mạch và can thiệp tim mạch. Đây cũng là một trong những bệnh viện đi đầu về lĩnh vực ghép tạng trong toàn quốc.

Hiện nay, Bệnh viện đã ghép tim thành công cho sáu bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, gần 900 bệnh nhân được ghép thận, gần 100 ca ghép tế bào gốc, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện thành công vào tháng 10-2019, nhiều bệnh nhân được ghép giác mạc từ nhiều nguồn hiến tặng khác nhau; cứu sống nhiều bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối, giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng. Hoạt động ghép giác mạc, ghép tim, ghép thận, ghép tủy-tế bào gốc... được thực hiện thường quy với tỷ lệ thành công 100%;

Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện T.Ư Huế được thành lập vào tháng 8-2019, càng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Bệnh viện T.Ư Huế phát triển bệnh viện trở thành Trung tâm Ghép tạng chuyên sâu và toàn diện của khu vực miền trung - Tây Nguyên và trong cả nước.

Trong thời gian đến, Bệnh viện T.Ư Huế sẽ tiếp tục triển khai ghép tự thân cho các bệnh nhân và hướng tới ghép tủy đồng loại để tiếp tục cứu sống và mang lại nhiều niềm hy vọng hơn cho các bệnh nhi mắc bệnh ung thư.